Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”

NDO - Ngày 12/9, tại Trường tiểu học số 1 Cát Tường, huyện Phù Cát, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát tổ chức trọng thể Lễ đón Bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Làng nón ngựa Phú Gia thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm. Đây không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm nón lá nổi tiếng trong và ngoài nước mà còn là một điểm du lịch được khách du lịch “săn đón” ở Bình Định.

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia, như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là di sản văn hóa trang phục Bình Định, đã được các du khách quốc tế đặt hàng, mang về nước làm kỷ niệm khi tới thăm vùng “đất võ-trời văn” Bình Định.

Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát cho biết, năm 2012, nón ngựa Phú Gia là một trong 5 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh chọn để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm trong chương trình dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nón ngựa Phú Gia” cho các sản phẩm nón được sản xuất tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát tại Quyết định số 19090/QĐ-SHTT ngày 7/4/2016.

Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” ảnh 2

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm.

Việc Trung ương công nhận, ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những niềm tự hào của người dân Cát Tường nói riêng và người dân Phù Cát nói chung. Một sản phẩm ghi dấu ấn với sự hình thành và phát triển của Phù Cát, là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân Phù Cát.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia dần trở thành một điểm đến du lịch, không chỉ mang đến sự thích thú cho du khách Việt mà còn có cả những du khách nước ngoài. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát cùng các địa phương, tổ chức liên quan.

Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” ảnh 3

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu ý kiến tại buổi lễ.

Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, nón ngựa Phú Gia từ là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng, đã và đang được người dân xã Cát Tường, huyện Phù Cát duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nón ngựa Phú Gia được kết cấu đặc biệt nên rất bền chắc. Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn sẽ có độ bền sử dụng 150-200 năm.

Hiện nay, làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định. Mỗi phiên chợ (5 ngày/phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành phố khắp cả nước. Đây chính là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, giữ nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.

Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” ảnh 4

Lãnh đạo huyện Phù Cát đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia”.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, nghề chằm Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Định được ghi danh, sau Võ cổ truyền, Hát bội, Nghệ thuật Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước).

Việc nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.