Về dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Phù Cát…
Phù Cát trước đây thuộc đất Chăm-pa. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông mở rộng bờ cõi đến đèo Cù Mông, lập phủ Hoài Nhơn thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Phủ Hoài Nhơn có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Phù Cát thuộc huyện Phù Ly.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Danh xưng Phù Cát chính thức được xác lập vào năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Khi ấy, huyện Phù Ly chia thành 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới. Huyện lỵ đầu tiên ở Xuân Hội sau dời về Hòa Hội (năm 1865) rồi vào An Hành (thị trấn Ngô Mây ngày nay).
Phù Cát là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, là quê hương của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, các anh hùng Ngô Mây, Vũ Bảo… Các thế hệ người dân Phù Cát hiếu học, cần cù, sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất; anh dũng, quật cường trong đấu tranh, góp phần làm nên những chiến công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trong tiến trình lịch sử với truyền thống “yêu nước, hiếu học, nhân nghĩa, thủy chung” các thế hệ người Phù Cát với bản tính cần cù, yêu lao động, không ngừng phấn đấu, đã viết lên trang sử vẻ vang, đầy tự hào góp phần làm rạng rỡ quê hương.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương Phù Cát tiếp tục được phát huy cao độ, là nguồn động viên to lớn, giúp Đảng bộ và nhân dân Phù Cát vượt qua mọi gian khó, hy sinh để xây dựng và bảo vệ quê hương. Ngay sau ngày giải phóng (31/3/1975), phát huy khí thế cách mạng và truyền thống yêu nước, dân và quân Phù Cát đã đoàn kết một lòng, cùng cả nước tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong điều kiện xuất phát điểm thấp của một nền kinh tế thuần nông, song, kế thừa thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phù Cát tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo; tích cực phát huy nội lực, vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Công nghiệp phát triển nhanh, quy mô không ngừng được mở rộng, một số ngành sản xuất công nghiệp thế mạnh có bước phát triển khá như: Chế biến gỗ, khoáng sản, may mặc, năng lượng tái tạo… đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cao. Đặc biệt, thương mại, dịch vụ có bước chuyển mình mạnh mẽ, tiềm năng du lịch, nhất là du lịch tuyến biển được khai thác, phát huy hiệu quả, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được quan tâm đẩy mạnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, Phù Cát đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao có nhiều tiến bộ. Dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Phù Cát tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết một lòng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bằng những hành động thiết thực góp phần xây dựng quê hương Phù Cát mến yêu ngày càng giàu đẹp, Danh xưng Phù Cát ngày càng rực rỡ.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp trong huyện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”.