Hướng tới sự tham gia của mọi người khuyết tật
Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhấn mạnh sự tham gia của mọi tầng lớp người khuyết tật vào các hoạt động có liên quan, đặc biệt là khuyến khích việc xây dựng và thành lập các tổ chức người khuyết tật, bảo đảm đầy đủ quyền của người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.
Đại diện thường trú của của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi đánh giá cao sự hợp tác với các đối tác ở Việt Nam trong thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật tham gia vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Theo bà Ramla Khalidi, đổi mới và công nghệ đang giúp đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này. Đặc biệt, công nghệ đang mở ra cơ hội việc làm cho khuyết tật.
Theo như đánh giá thí điểm của UNDP về hòa nhập người khuyết tật trong quản trị công ở địa phương, UNDP đã tuyển dụng 3 người khuyết tật thuộc các dạng khuyết tật khác nhau làm điều tra viên cho nghiên cứu Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Các điều tra viên sử dụng nền tảng trực tuyến và công nghệ hỗ trợ, bao gồm trình đọc màn hình, để làm việc từ xa và thu thập dữ liệu về chính người khuyết tật. Hoạt động thí điểm này đã chứng minh rằng, chỉ cần được cung cấp các công cụ bổ trợ hợp lý, người khuyết tật có thể đóng góp có giá trị cho công tác nghiên cứu.
Thành công này đã thuyết phục nhóm nghiên cứu quyết định tuyển dụng nhiều người khuyết tật hơn cho các nghiên cứu trong tương lai. Điều này mở ra cơ hội việc làm mới cho người khuyết tật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Chị Vũ Thị Quyên, người đồng sáng lập và là Giám đốc Công ty TNHH We-Edid Việt Nam (Hà Nội), chuyên cung cấp các nền tảng dịch vụ đồ họa về bất động sản cho khách hàng quốc tế - cho biết: Công ty được ba thành viên thành lập, trong đó có hai người khuyết tật sử dụng xe lăn và một người không khuyết tật. Được thành lập từ năm 2019, với mục tiêu tạo một môi trường làm việc tiếp cận cao cũng như tạo thu nhập và tăng cơ hội việc làm cho nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, đến nay, công ty đã có hơn 100 nhân sự, với 35% là người khuyết tật bao gồm: vận động, điếc, khuyết tật tay...
Để mở rộng thêm nhiều cơ hội làm việc đến các nhóm khuyết tật, đặc biệt là các nhóm khuyết tật đặc thù khó xin việc, công ty đã nghiên cứu tách nhỏ các quy trình làm việc, xác định nhóm khuyết tật phù hợp và chạy thử trước khi xác lập quy trình mới nhằm bảo đảm công việc phù hợp năng lực và khả năng tiếp thu cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của các bạn.
Theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, các chỉ tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 đặt mục tiêu:
Có 200.000 (300.000) người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm;
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho người khuyết tật;
90% (100%) người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Tạo cơ hội bình đẳng, môi trường thuận lợi cho người khuyết tật
Là đơn vị sử dụng nhiều người lao động khuyết tật, chị Vũ Thị Quyên chia sẻ, có rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng, cũng như đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Bản thân là người khuyết tật và là nhà tuyển dụng người khuyết tật, chị Quyên đưa ra một số khuyến nghị về chính sách.
Cụ thể như: cần quy định lại tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dựa vào mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, xây dựng chi tiết về mức hỗ trợ, phương án hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của từng loại doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Dương Thị Vân cho rằng, nhận thức của toàn xã hội và của chính người khuyết tật về vấn đề hòa nhập khuyết tật đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn trong những năm qua. Cách tiếp cận chuyển dần từ tiếp cận theo mô hình từ thiện sang mô hình xã hội, dựa trên quyền của người khuyết tật.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn nỗ lực kết nối việc làm cho người lao động, trong đó có người khuyết tật. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Trong những năm qua, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã tăng cường hỗ trợ, tư vấn dạy nghề, kiếm việc làm cho hội viên người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ khuyết tật.
Đơn vị phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn cho người khuyết tật làm kinh tế; hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên, với các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc…
Cơ quan này cũng ký hợp đồng với Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Trong đó, Hội thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc, kỹ năng tìm việc, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm thành công cho người khuyết tật.
Nhóm giảng viên nguồn của Hội đã thực hiện 12 cuộc tập huấn với nội dung này cho khoảng 360 người khuyết tật có nhu cầu việc làm; tư vấn về việc làm cho 600 lượt người khuyết tật, tổ chức cho khoảng 160 người khuyết tật đi thăm 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương có người khuyết tật tham gia làm việc.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc.
Năm 2014, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019, Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động- việc làm; phù hợp Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Incheon về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất...
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39. Các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
Cùng với đó, giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người khuyết tật cũng được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn 2012-2022.
Bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm.
Mỗi năm, các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho trung bình khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt hơn 50%.
Với chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, trong giai đoạn từ 2012-2020, khoảng gần 39 nghìn người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm…
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021) nêu rõ:
- Đến năm 2025: Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
- Đến năm 2030: Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 40%.
- Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp: Nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm; ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, văn hóa nghệ thuật, thể thao, sức khỏe; chính sách đối với người học thuộc các đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động nữ, lao động di cư, người thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ; chính sách về bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và người lao động qua đào tạo nghề nghiệp.