Công khai, minh bạch trong thẩm định xếp hạng sản phẩm OCOP

NDO - Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 400 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP; song đến nay đã có 488 sản phẩm của 26/30 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia. Công tác đánh giá sản phẩm được thực hiện trên cơ sở bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác theo các tiêu chí quy định tại bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Qua đó, nhiều sản phẩm tham gia đã được công nhận, xếp hạng 3 sao và 4 sao.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng đánh giá, xếp loại các sản phẩm OCOP Hà Nội lần thứ nhất năm 2022.
Hội đồng đánh giá, xếp loại các sản phẩm OCOP Hà Nội lần thứ nhất năm 2022.

Sau các vòng đánh giá cấp huyện, thành phố Hà Nội đã tổ chức các Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp thành phố lần thứ nhất cho hàng trăm sản phẩm của các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm

Ghi nhận qua các đợt đánh giá sản phẩm OCOP năm 2022 cho thấy, ban giám khảo đã chất vấn, tranh luận sôi nổi về từng sản phẩm, từng chủ thể. Hội đồng đặc biệt quan tâm về nguồn gốc nguyên liệu; công nghệ chế biến; hình thức bao bì, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất… Tất cả nhằm lựa chọn chính xác các sản phẩm có chất lượng và tiềm năng phát triển, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cho chủ thể tham gia chương trình.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hội đồng chấm điểm, đánh giá bám sát những tiêu chí đã được quy định về đánh giá, chấm điểm sản phẩm và Quy chế hoạt động của Hội đồng OCOP thành phố. Từ đó, giúp quá trình nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ các tiêu chí liên quan đến sở, ngành mình bảo đảm kỹ lưỡng. Cũng nhờ vậy, sẽ góp ý tối đa cho chủ thể những nội dung minh chứng, tiêu chí còn thiếu, chưa đầy đủ...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ cho biết, ngay từ đầu năm 2022, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ thể quan tâm, nâng cấp sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Công tác đánh giá tại cấp huyện cũng được thực hiện nghiêm túc, bám sát các tiêu chí theo quy định. Do đó, điểm số của các sản phẩm không chênh quá nhiều so với đánh giá của Hội đồng OCOP Hà Nội.

Công khai, minh bạch trong thẩm định xếp hạng sản phẩm OCOP ảnh 1

Sản phẩm tham gia đánh giá, xếp loại.

Theo Hội đồng OCOP Hà Nội, năm 2022, thành phố ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm sơ chế và chế biến sâu, hàng thủ công mỹ nghệ. Trên tinh thần chung là phát triển sản phẩm OCOP không chạy số lượng, thành phố đã kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng ngay từ ban đầu. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể, kịp thời chấn chỉnh những sai sót để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường. Qua đó, Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương khác trên địa bàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm OCOP để tham gia đánh giá, phân hạng từ nay đến cuối năm; đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được cấp sao.

Công khai, minh bạch trong thẩm định

Đại diện các sở, ngành như: Công thương, Khoa học-Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường…, cũng đã tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ các tiêu chí liên quan đến sở, ngành mình để tham gia ý kiến, góp ý bổ sung cho chủ thể những nội dung minh chứng còn thiếu, chưa đầy đủ. Đặc biệt, không có sản phẩm nào được phép nợ tiêu chí.

Trong quá trình đánh giá, các thành viên Hội đồng OCOP Hà Nội đã bám sát những tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội; thực hiện thẩm định các tiêu chí một cách khách quan, công bằng đối với tất cả sản phẩm.

Công khai, minh bạch trong thẩm định xếp hạng sản phẩm OCOP ảnh 2

Công tác đánh giá được minh bạch từ hồ sơ đến chất lượng thực tế.

Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, vừa qua, thành phố đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Kết quả cho thấy, hồ sơ minh chứng sản phẩm được các chủ thể thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, một số chủ thể vẫn còn lỗi về sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm in chưa đúng, in đủ thông tin; hồ sơ minh chứng sản phẩm một số đã hết thời hạn chưa cập nhật mới. Đoàn liên ngành đã nhắc nhở để các chủ thể kịp thời khắc phục.

Năm 2022, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đăng ký đánh giá, phân hạng 488 sản phẩm. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ làm chặt chẽ các hồ sơ, minh chứng chất lượng sản phẩm. Hà Nội cũng sẽ tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh chuyển đổi số, quảng bá, tiêu thụ để sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm thương hiệu.