Cơn sốt giá gạo thế giới

Thị trường gạo thế giới nóng lên khi giá loại lương thực quan trọng này chạm mức cao nhất trong 12 năm qua. Cơn sốt giá gạo được cho là không sớm hạ nhiệt, do hiện tượng El Nino ảnh hưởng mùa màng tại các vựa lương thực, trong khi xu hướng dự trữ gia tăng trong bối cảnh lạm phát phi mã và an ninh bất ổn tại nhiều nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá gạo trong tháng 7 vừa qua đã tăng 2,8%, lên 129,7 điểm, chạm mốc cao nhất kể từ tháng 9/2011. Ðáng lo ngại là, giá gạo được dự báo còn tiếp tục leo thang. Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, tình hình bất ổn trên thị trường có thể kéo dài đến cuối năm 2023.

Giáo sư danh dự tại Ðại học Harvard (Mỹ) Peter Timmer cho rằng, giá gạo sẽ tiếp tục đà đi lên trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới. Song, tốc độ tăng chậm để người tiêu dùng có thời gian thích nghi hay tăng đột biến vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Giá gạo sẽ tiếp tục đà đi lên trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới. Song, tốc độ tăng chậm để người tiêu dùng có thời gian thích nghi hay tăng đột biến vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Giáo sư danh dự tại Ðại học Harvard (Mỹ) Peter Timmer

Giới phân tích nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo tăng cao gần đây là do từ cuối tháng 7 vừa qua, Ấn Ðộ tuyên bố cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không phải giống basmati. New Delhi khẳng định, lệnh cấm nhằm bình ổn giá và ngăn chặn nguy cơ thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt.

Theo các chuyên gia, lệnh cấm mới nhất của Ấn Ðộ gần giống những hạn chế mà nước này áp đặt trong giai đoạn 2007-2008, song tác động đối với nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu có thể sâu rộng hơn. So với tỷ lệ 22% cách đây 15 năm, Ấn Ðộ hiện chiếm hơn 40% giá trị thương mại gạo toàn cầu.

Theo thống kê, năm ngoái, Ấn Ðộ đã xuất khẩu 22 triệu tấn gạo sang 140 quốc gia. Vì vậy, bước đi mới của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã ngay lập tức làm chao đảo thị trường toàn cầu, đẩy giá gạo tăng thêm khoảng 20% so mức trước khi có lệnh cấm của Ấn Ðộ.

Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất tại các vựa lúa hàng đầu thế giới. Năm nay, mùa mưa tại Ấn Ðộ bắt đầu muộn với lượng mưa bất thường và phân bổ không đều đã gây trở ngại cho hoạt động canh tác của nông dân. Ước tính, hiện diện tích ruộng được cấy lúa tại Ấn Ðộ thấp hơn 6% so mức cùng kỳ năm 2022. Tại Indonesia, nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu đang chuyển sang trồng ngô và bắp cải để đề phòng hạn hán.

Nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Thái Lan lại đang chứng kiến lượng mưa thấp trong mùa mưa năm nay, trong khi phải chuẩn bị để ứng phó một đợt hạn hán có thể xảy ra vào năm 2024 do ảnh hưởng của El Nino. Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan cho biết, lượng mưa năm nay sẽ thấp hơn mức trung bình của 30 năm qua. Mực nước trong các đập chính giảm khoảng 50% so mức năm 2022. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Thái Lan khuyến khích nông dân giảm diện tích trồng lúa và chuyển đổi sang cây trồng khác, nhằm thích nghi điều kiện mưa ít.

Nhiều chuyên gia nhận định, giá gạo tăng cao kéo theo những hệ quả khôn lường. Khẳng định người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những cú sốc giá lương thực, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế Joseph Glauber nhận định, giá gạo cao ảnh hưởng đến chế độ ăn của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, vốn coi gạo là thực phẩm chính.

Trong khi đó, chuyên gia Shirley Mustafa thuộc FAO cho rằng, nhiều người nghèo có thể phải giảm lượng thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày, chuyển sang các sản phẩm thay thế nghèo dinh dưỡng, hoặc giảm chi tiêu cho các nhu yếu phẩm khác.

Tình trạng giá cả đắt đỏ trong khi nguồn cung giảm làm gia tăng nguy cơ xảy ra làn sóng bảo hộ thương mại mới, khi các chính phủ tăng cường kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo đảm dự trữ lương thực.

Tình trạng giá cả đắt đỏ trong khi nguồn cung giảm làm gia tăng nguy cơ xảy ra làn sóng bảo hộ thương mại mới, khi các chính phủ tăng cường kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo đảm dự trữ lương thực. Trên thực tế, ngay sau khi Ấn Ðộ đưa ra lệnh cấm, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong bốn tháng, trong khi Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa.

Việc giá gạo liên tiếp xô đổ các kỷ lục đang gây áp lực mạnh mẽ lên hệ thống lương thực toàn cầu vốn mất cân bằng nghiêm trọng. Theo Liên hợp quốc, hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực. Con số này có thể còn tăng cao hơn nữa, do hệ quả của tình trạng gián đoạn nguồn cung và cơn sốt giá gạo.