Con đường chinh phục thị trường châu Âu của nông sản Việt

NDO - Có chiến lược dài hạn, tập trung vào các sản phẩm sản lượng không quá lớn nhưng giá trị cao, tuân thủ các quy định của thị trường… là những giải pháp để nông sản Việt Nam chinh phục tốt thị trường Hà Lan và các nước Bắc Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Nông sản muốn chinh phục thị trường Hà Lan và Bắc Âu phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường.
Nông sản muốn chinh phục thị trường Hà Lan và Bắc Âu phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường.

Tiềm năng lớn cho hàng Việt Nam

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, để chinh phục những thị trường khó tính như Hà Lan và khu vực Bắc Âu, Công ty DannyGreen đã chuẩn bị diện tích đất khoảng 120ha tại Ninh Thuận và 15 hệ thống nhà màng để phục vụ sản xuất dưa lưới hữu cơ với chất lượng ngang tầm Nhật Bản.

Ông Trần Phong Lan, đại diện Công ty DannyGreen chia sẻ: “Với tên tuổi và thương hiệu trên thị trường hơn 10 năm, sản phẩm dưa lưới của Danny Green đã đạt chứng nhận GAP Nhật Bản và USDA của Mỹ và chuẩn bị chứng nhận châu Âu. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm hữu cơ, một trong những sản phẩm cao cấp của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới”.

Sự chuẩn bị kỹ càng của Công ty DannyGreen là minh chứng cho thấy sự khó tính và đòi hỏi khắt khe của khối các thị trường Hà Lan và Bắc Âu.

Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan chia sẻ, tuy Hà Lan chỉ có 17 triệu dân nhưng lại là thị trường “cửa ngõ” nhập khẩu và tái xuất sang các thị trường châu Âu khác.

Con đường chinh phục thị trường châu Âu của nông sản Việt ảnh 1

Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng cà-phê của Việt Nam vào Thụy Điển vẫn còn dư địa khoảng 160 triệu USD.

Có 4 mặt hàng nông sản của Việt Nam nằm trong 50 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tại Thụy Điển, trong đó, cà-phê chưa rang, chưa khử caffein đứng thứ 2, hạt điều đã bóc vỏ đứng thứ 13, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ đứng thứ 25, và hạt tiêu nguyên hạt đứng thứ 45.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Với mặt hàng cà-phê chưa rang, chưa khử caffein (HS090111): Việt Nam xuất khẩu 2,5 tỷ USD năm 2021. Thụy Điển là nước tiêu thụ cà-phê tính trên đầu người đứng thứ 6 thế giới, trung bình 8,2kg/người/năm, chủ yếu xếp sau mấy nước láng giếng như Phần Lan số 1, Na Uy thứ hai, Đan Mạch thứ tư.

Hằng năm, Thụy Điển nhập khẩu 305 triệu USD cà-phê nhưng nhập khẩu từ Việt Nam mới khoảng 5,3 triệu USD. Cung có, cầu có, thuế bằng 0%. Do vậy, theo tính toán của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Thụy Điển vẫn còn dư địa khoảng 160 triệu USD. Hoặc với mặt hàng gạo đã xát toàn bộ hoặc 1 phần (HS100630) tiềm năng có thể khai thác thêm 16 triệu USD nữa.

“Gạo là mặt hàng đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng tại Thụy Điển trong thời gian qua. Nếu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường này chỉ đạt 44.000 USD, thì tới năm 2021, kim ngạch đã tăng lên hơn 2,7 triệu USD”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy chỉ rõ.

Hướng đi nào cho nông sản Việt Nam?

Tiềm năng là thế, song nông sản Việt Nam vẫn chưa hiện diện nhiều ở thị trường Hà Lan và khu vực Bắc Âu. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy phân tích, trong 27 nước EU, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống và còn bỏ ngỏ 20 nước nhỏ khác trong khi tiềm năng thị trường Bắc Âu còn khá lớn. Lý do là thị trường Bắc Âu nhỏ, địa lý xa xôi và tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước EU.

Ông Như Nguyễn cho rằng, nếu muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam buộc có chiến lược dài hạn, cần phải thực hiện nhiều bước để quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó. Đây cũng là điểm yếu khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, còn hạn chế cả về vốn, công nghệ và kinh nghiệm.

Thị trường Bắc Âu nói riêng và EU nói chung, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Chúng tôi rất cần tư vấn về kỹ thuật, nâng cao năng suất nhà máy. Những khó khăn này rất cần sự vào cuộc giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các đơn vị liên quan. Theo đó, một trong những giải pháp rất cần thiết hiện nay là có nhiều hội chợ quốc tế để kết nối bên mua-bên bán. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đến đích nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt

Như vậy, để đưa nông sản Việt Nam vào sâu hơn khu vực thị trường Hà Lan, Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm, bên cạnh việc đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin với khách hàng, người tiêu dùng để gây dựng thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan.

“Trong ngắn hạn, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các mặt hàng giá trị cao cũng như giữ vững thương hiệu của mình. Trong dài hạn, chúng ta cần có sự phối hợp với các đối tác hiểu được thị trường Hà Lan”, ông Như Nguyễn lưu ý.

Con đường chinh phục thị trường châu Âu của nông sản Việt ảnh 2

Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng cà-phê của Việt Nam vào Thụy Điển vẫn còn dư địa khoảng 160 triệu USD.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn mỗi năm, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển và đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắt khe. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta coi đó là khó khăn. Câu hỏi đặt ra là ta lựa chọn “vũ khí” gì để chinh phục thị trường này?

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Muốn thực hiện được cần dựa theo sự hiểu biết và thông tin đầy đủ. Thí dụ như việc lựa chọn các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, các sản phẩm “đường xa đi nhẹ” nhưng có giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toản đã đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để nông sản Việt có thể chinh phục được thị trường khắt khe này.

Thứ nhất, theo ông Toản, phải lựa chọn các mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, cùng với hàm lượng chế biến ngày càng được nâng cao, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ là những yếu tố rất quan trọng. Để có thể triển khai những công việc đó một cách hiệu quả, cần sự kết nối tổng thể giữa hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại.

Thứ hai, trên cơ sở phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công Thương và các tham tán thương mại, ông Toản đề xuất các cơ quan thương vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp tại địa bàn, của các đầu mối nhập khẩu nông sản tại từng thị trường.

Thứ ba, các hiệp hội ngành hàng cần có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần đưa ra những kiến nghị cụ thể để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng những chính sách cho dù là nhỏ nhất như tín dụng vi mô, hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hợp tác xã…

Thứ năm, các hiệp hội ngành hàng cần cùng tham gia đào tạo kỹ năng bán hàng cho các HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ sáu, chỉ trong tháng 6/2022, EU đã đưa ra 36 cảnh báo về các mức dư lượng của Việt Nam. Điều đó có nghĩa tuy thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan, thị trường Bắc Âu còn khiêm tốn nhưng yêu cầu chất lượng của các thị trường đều rất cao. Với tần suất cảnh báo dày như vậy, chính các doanh nghiệp cần tự ý thức, tránh để làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cũng như uy tín của nông sản Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Toản bày tỏ quan điểm.