Tham dự Hội nghị, có đại diện Sở Công thương, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk cùng đông đảo các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại Hội nghị, Thạc sĩ Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin chi tiết về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc (Lệnh 249); cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm nông sản thực phẩm khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Theo đó, Lệnh 249 của Trung Quốc ban hành ngày 12/4/2021 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Lệnh 249 quy định bảo đảm an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật.
Thực phẩm nhập khẩu lần đầu tiên vào Trung Quốc phải thực hiện đánh giá rủi ro; công bố danh mục thực phẩm được phép nhập khẩu; chỉ định cửa nhập khẩu; thực hiện kiểm dịch và phê duyệt đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc diện phải kiểm dịch; thực hiện quản lý và đăng ký doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc; kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc...
Vì vậy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc cần quan tâm bảo đảm trách nhiệm chính đối với sản phẩm do mình sản xuất; thông tin về hồ sơ doanh nghiệp phải được cập nhật kịp thời và chính xác; đồng thời cần quan tâm đến quy định yêu cầu của thị trường như các chỉ tiêu, nhãn hiệu và đóng gói thực phẩm, đặc biệt là chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin về việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc (Lệnh 248), thực phẩm nông sản nguồn gốc thực vật...
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc thông tin về tiềm năng thị trường Trung Quốc đối với nông sản thực phẩm Việt Nam xuất khẩu. Viện Cây ăn quả miền nam thông tin về quản lý dịch hại tổng hợp trong xuất khẩu trái cây tươi gồm trái sầu riêng và chanh leo vào thị trường Trung Quốc. Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thông tin về giải pháp sơ chế, bảo quản trái cây tươi gồm trái sầu riêng và chanh leo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn thông tin về quy định thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn và biện pháp tạo thuận lợi hàng hóa thương mại nông sản trong bối cảnh tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 của Hải quan Trung Quốc...
Tại Hội nghị, đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật, Văn phòng SPS Việt Nam cũng đã giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249; đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp, Hợp tác xã thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh Đắk Lắk. Bởi trên địa bàn tỉnh hiện có 213.336ha cà-phê, 34.333ha cao su, 27.702ha điều, 32.848ha hồ tiêu... và 42.957ha cây ăn quả như sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi, mít, nhãn, vải, chuối, chanh leo...
Trong đó, cây sầu riêng là một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh, là cây có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so các loại cây trồng khác. Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh ước đạt 15.100ha, chiếm 35% tổng diện tích cây ăn quả của cả tỉnh, sản lượng ước đạt 170.000 tấn. Thời điểm thu hoạch chính vụ các giống sầu riêng địa phương từ tháng 6 đến 8, các giống Dona, Ri6 thu hoạch từ tháng 7 đến 10 hằng năm.
Sầu riêng và bơ, 2 loại trái cây thơm ngon nổi tiếng Đắk Lắk được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị. |
Nhận thấy tiềm năng và cơ hội to lớn trong việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đã chủ động làm việc, kiến nghị với Cục Bảo vệ thực vật quan tâm hướng dẫn để triển khai công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Kết quả đến nay, đã phối hợp tổ chức kiểm tra trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng tạo tiền đề cho việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch; xây dựng và thiết lập được 24 cơ sở đóng gói trên địa bàn toàn tỉnh; cấp 21 mã số vùng trồng trên các loại cây trồng, với tổng diện tích là 710,7ha; thiết lập 38 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích hơn 1.500ha đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi sang phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc; tổ chức 40 lớp tập huấn thu hút khoảng 2.000 người tham gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói và các quy định của thị trường nhập khẩu... cho các đối tượng là cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức Hội nghị “Triển khai Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc; hướng dẫn thiết lập, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu” tại Đắk Lắk cho các tỉnh miền trung và Tây Nguyên...
Tuy nhiên, đối với cây chanh leo, việc xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn do Nghị định thư chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc chưa được ký kết. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mở cửa thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: cà-phê, tiêu, sầu riêng, bơ... Tiếp tục đàm phán, hoàn thiện các yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra để Nghị định thư chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết.
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 1.055ha cây chanh leo, trong đó diện tích cho sản phẩm 884ha, năng suất đạt 159,11tạ/ha, sản lượng thu hoạch 14.703 tấn. Hiện nay thị trường tiêu thụ chanh leo chủ yếu là thị trường nội địa, chưa có trong danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn hướng dẫn các doanh nghiệp, vùng trồng và cơ sở đóng gói triển khai công tác thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác xuất khẩu chính ngạch chanh leo khi Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết.