Các nhà dự báo thời tiết cho biết một cơn bão nhiệt đang hoành hành tại Italy từ ngày 20/8 và kéo dài trong 5 ngày, đặc biệt là ở miền trung và miền bắc nước này, với nhiệt độ cao kỷ lục ngay cả ở vùng núi.
Cảnh báo đỏ về nắng nóng có hiệu lực tại 8 thành phố là: Rome, Florence, Bologna, Perugia, Brescia, Bolzano, Latina và Rieti.
Chỉ riêng 7 tháng năm 2023 (năm nóng thứ ba trong lịch sử Italy kể từ năm 1800) đã ghi nhận trung bình 11 hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mỗi ngày, từ lũ lụt, hạn hán đến cháy rừng tàn khốc.
Nghiên cứu mới của Hiệp hội Nông dân Quốc gia Italy (Coldiretti) cho thấy nước này đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong năm nay, với nhiệt độ cao hơn 0,67 độ C so với mức trung bình trong lịch sử, kể từ khi các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu hơn 200 năm trước.
Còn tại 4 vùng miền bắc Italy, nhiệt độ cao hơn 0,86 độ C so với mức trung bình trong lịch sử, khiến năm 2023 trở thành năm nóng thứ hai kể từ năm 1800 tại khu vực này.
Những năm nóng nhất tại Italy đều trong thập kỷ qua và bao gồm các năm: 2014, 2015, 2018, 2019, 2020 và 2022.
Không chỉ các nhà khoa học nhận thấy nhiệt độ đang tăng lên do tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với bầu khí quyển, mà kết quả nghiên cứu mới của Coldiretti cũng xác nhận thực tế nhiệt độ gia tăng có thể liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của Coldiretti chỉ ra rằng, Italy đang phải đối mặt với quá trình nhiệt đới hóa, với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn, lượng mưa rơi trong thời gian ngắn, nhưng dữ dội và sự chuyển đổi nhanh chóng từ thời tiết nóng sang thời tiết xấu.
Năm nay, Italy đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp trên cả nước, sau đó là lũ lụt tàn phá ở vùng Emilia Romagna. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn đã không giúp giải quyết vấn đề hạn hán và đã góp phần gây ra lũ lụt trên khắp nước này.
Ông Lorenzo Bazzana, Giám đốc Kinh tế của Coldiretti, cho biết, sản lượng các loại cây ăn quả ở Italy đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Bazzana, vụ thu hoạch quả anh đào, mơ ở Italy đã ghi nhận sản lượng sụt giảm lần lượt khoảng 60% và 20%.
Thời tiết nắng nóng vào tháng 7 đã khiến nhiệt độ cao hơn 1,96 độ C so với mức trung bình trong tháng và đã góp phần dẫn đến các vụ cháy rừng, tàn phá các khu vực phía nam Italy, bao gồm cả Sicily và Sardinia.
Coldiretti ước tính những thiệt hại mà Italy phải gánh chịu trong năm nay sẽ cao hơn khoản thiệt hại 6 tỷ euro (6,5 tỷ USD) của năm 2022. Chỉ riêng trận lũ lụt ở vùng Emilia Romagna hồi tháng 5-6 vừa qua đã khiến Italy thiệt hại hơn 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD). Do nắng nóng, sản lượng mật ong của Italy đã giảm 70% và sản lượng nho giảm 14%. Các sản phẩm nông nghiệp khác cũng chịu ảnh hưởng.
Các nhà khoa học nhận định cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, như sóng nhiệt, hạn hán, siêu bão và lũ lụt diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn và trở thành điều bình thường mới tại khu vực Địa Trung Hải, đòi hỏi Italy phải thích nghi và xem xét lại các biện pháp phòng chống thiên tai trên toàn quốc.