Khuyến cáo đề phòng nắng nóng cực đoan cũng được đưa ra đối với hơn 100 triệu người Mỹ khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) dự báo thời tiết đặc biệt nguy hiểm tại các bang Arizona, California, Nevada và Texas. Nhiệt độ tại Thung lũng chết ở sa mạc phía nam bang California được dự báo có thể bằng hoặc cao hơn mức kỷ lục 56,7 độ C từng ghi nhận.
Nhiều nước châu Âu như Pháp, Ðức, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan đang trải qua điều kiện thời tiết nóng khắc nghiệt. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), tại các đảo Sicily và Sardinia của Italia nhiệt độ có thể lên tới 48 độ C và có khả năng đây là mức nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu.
Nhật Bản cũng hứng chịu thời tiết nắng nóng gay gắt, với nhiều địa phương có nhiệt độ trên 38 độ C. Nắng nóng khiến số bệnh nhân bị sốc nhiệt gia tăng. Riêng ngày 10/7 vừa qua, tại Tokyo có tới 167 người nhập viện do sốc nhiệt. Tại Bắc Phi, cơ quan khí tượng của Maroc đã ban hành cảnh báo đỏ về nóng cực đoan.
Theo một nghiên cứu về tác động do nắng nóng cực đoan được các cơ quan chuyên môn thực hiện trong tuần này, khoảng 61.000 người có thể đã tử vong trong các đợt sóng nhiệt tại châu Âu vào mùa hè năm 2022. Số liệu nêu trên là lời cảnh báo đối với các chính phủ và các chủ sử dụng lao động về sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ người lao động làm việc ngoài trời trong thời tiết nắng nóng.
Trong khi đó, Ấn Ðộ đang trải qua đợt mưa lớn ở khu vực miền bắc, gây sạt lở đất, lũ quét, thương vong và gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Mực nước sông Yamuna chảy qua Delhi, khu vực có 20 triệu dân sinh sống, hiện ở mức cao nhất trong 45 năm qua, trên mức cảnh báo nguy hiểm.
Côte d’Ivoire cũng chứng kiến một mùa mưa tồi tệ với mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Từ đầu tháng 4 đến nay, mưa lớn tại quốc gia Tây Phi này đã khiến 30 người chết, nhiều cơ sở hạ tầng bị nước lũ gây hư hại nghiêm trọng, diện tích lớn đất canh tác bị nhấn chìm trong nước.