Theo thông tin từ Viện khí tượng Cuba, nhiệt độ trung bình tại quốc gia Mỹ Latin đã chạm mốc 29,1 độ C trong tháng 7/2023, cao hơn kỷ lục trước đó thiết lập hồi tháng 8/2020.
Nhà chức trách Cuba cho biết, nước biển bề mặt chung quanh vùng biển Caribe và vùng nhiệt đới Đại Tây Dương ấm lên làm tăng nguy cơ hình thành các cơn bão nhiệt đới từ nay cho đến tháng 11.
Các chuyên gia khí tượng nước này dự báo sẽ có khoảng 13 cơn bão được đặt tên trong mùa bão nhiệt đới năm nay, tăng nhẹ so với dự báo đưa ra hồi tháng 5/2023 (11 cơn bão).
Đầu tháng 8, Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cảnh báo, nước biển ấm hơn ở ngoài khơi Florida có thể làm tăng cường độ các cơn bão nhiệt đới, vốn hoạt động dữ dội hơn trên các vùng nước ấm.
Nhiệt độ bề mặt đại dương chung quanh quần đảo Florida Keys, cách Cuba khoảng 100 dặm về phía bắc, cũng đã tăng vọt hồi cuối tháng 7, giết chết các rạn san hô và gây áp lực lên các loài sinh vật biển.
Các nhà khoa học cho biết, hệ thống rạn san hô của Cuba cũng bị ảnh hưởng do nhiệt độ tăng cao.
Theo các chuyên gia khí hậu, tần suất và cường độ ngày càng tăng của thời tiết khắc nghiệt - ở cả trên biển và đất liền - là “triệu chứng” của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu mà con người gây ra. Các đợt nắng nóng cực đoan được dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 8.