Thủ đô của Argentina, Buenos Aires, bước vào tháng 8 với mức nhiệt độ được ghi nhận cao nhất trong 117 năm qua - lên tới hơn 30 độ C vào ngày 1/8 vừa qua, phá vỡ kỷ lục trước đó cho ngày 1/8 nóng nhất là 24,6 độ C vào năm 1942, trong khi nhiệt độ tháng 8 trung bình tại Buenos Aires chỉ là 18 độ C.
Bà Cindy Fernández, người phát ngôn của Cơ quan Khí tượng quốc gia Argentina cho biết, nước này đang phải đối mặt với “một năm nắng nóng khắc nghiệt”, khi nhiệt độ mùa đông đang vượt quá mức cho phép, thậm chí lên tới 37-39 độ C trong tuần trước không chỉ ở thủ đô Buenos Aires mà còn ở các khu vực phía bắc giáp Bolivia và Paraguay.
Ở thời điểm bắt đầu tháng 8, nhiều vùng tại Argentina đã ghi nhận mức nhiệt cao “không tưởng” giữa mùa đông. (Ảnh: Cơ quan Khí tượng quốc gia Argentina) |
Cách đó hàng trăm dặm về phía tây, ở Chile, nhiệt độ thậm chí còn tăng cao hơn, lên tới 40 độ C. Bolivia, Paraguay và Brazil cũng trải qua tình trạng nắng nóng tương tự, mặc dù đang ở giữa mùa đông nam bán cầu (thông thường thời tiết tháng 8 ở nam bán cầu gần tương đương với thời điểm mùa đông tháng 2 ở bắc bán cầu).
Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, các quốc gia Nam Mỹ đã trải qua nhiều đợt nắng nóng giống như mùa hè, với nền nhiệt lên tới trên 38 độ C ở một số nơi - cao hơn đáng kể so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.
Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu cho biết, Nam Mỹ đang trải qua một “đợt nắng nóng mùa đông khốc liệt”.
Mặc dù những đợt nắng nóng như vậy không phải là chưa từng xảy ra, nhưng đợt này có điểm đặc biệt về phạm vi ảnh hưởng, thời gian, cường độ và diễn ra vào đầu tháng 8, với hàng chục trạm khí tượng đang ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay trong nửa đầu tháng 8/2023.
Bộ trưởng Môi trường Chile, bà Maisa Rojas cho biết, thế giới đã trải qua những thời điểm thời tiết khắc nghiệt trong nhiều tuần, bao gồm cả Nam Mỹ và Chile.
Bà Rojas cũng thông tin, ở vùng núi Andes của nước này, nhiệt độ đã tăng lên tới 38,9 độ C vào đầu tháng 8, đồng thời nhấn mạnh hiện tượng này là “không thể tin được” vào giữa mùa đông, khiến giới khoa học gần như phải “viết lại tất cả các cuốn sách về khí hậu”.
Thành phố Santiago, Chile dưới 1 lớp sương khói do nhiệt độ cao, ngày 2/8/2023. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Tại vùng Coquimbo ở miền bắc Chile, nhiệt độ trung bình khoảng 22 độ C vào tháng 2, thời điểm cao điểm của mùa hè. Nhưng năm nay, ngay ở giữa mùa đông, nền nhiệt đã tăng cao hơn rất nhiều, trong đó vùng Vicuña đạt 37,1 độ C vào ngày 2/8.
Người phát ngôn của Tổng cục Khí tượng Chile cho biết, nhiệt độ này là mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn này trên toàn Chile, đồng thời cũng đánh dấu mức nhiệt độ cao thứ hai từng được ghi nhận trong mùa đông ở nước này - thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Trước đó, vào tháng 8/1951, mức nhiệt độ cao kỷ lục 37,3 độ C đã được ghi nhận ở Copiapó.
Nhiều vùng ở Paraguay, Bolivia và miền nam Brazil cũng đang phải hứng chịu nhiệt độ mà chuyên gia Maximiliano Herrera gọi là nền nhiệt cao “khủng khiếp” gần 39 độ C.
Chuyên gia này cảnh báo, nền nhiệt cao dự kiến cũng sẽ tiếp tục trong vài ngày tới, tập trung ở bắc Argentina, Paraguay, Bolivia và tây nam Brazil, với nhiệt độ được dự báo có thể lên tới 40 độ C. Ông cũng nhấn mạnh việc nắng nóng bất thường giữa mùa đông đang “viết lại tất cả các cuốn sách về khí hậu”.
Biến đổi khí hậu và El Nino là nguyên nhân chính
“Những gì chúng ta đang trải qua là sự kết hợp của hai hiện tượng: Xu hướng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu cộng với ảnh hưởng của El Nino,” Bộ trưởng Rojas viết trên Twitter.
Giới khoa học cảnh báo, El Nino cùng sự nóng lên toàn cầu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch gây nên có thể đẩy nhiệt độ liên tục đạt mức kỷ lục mới.
Theo ông Raúl Cordero, chuyên gia khí hậu từ Đại học Santiago, xét về nhiệt độ và lượng mưa, "mùa đông của Chile đang biến mất". Chuyên gia này cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi các kỷ lục về nhiệt độ vẫn đang được thiết lập trên toàn thế giới, và biến đổi khí hậu khiến những mốc kỷ lục này bị phá vỡ ngày càng thường xuyên hơn.
Nhiệt độ cao ở nhiều vùng của Nam Mỹ cũng đang song hành với xu hướng diễn ra trên toàn cầu, khi tháng 7 vừa qua đã được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử với biên độ nhiệt độ tăng đáng kể.
Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử
Các nhà khoa học cũng cảnh báo các đợt nắng nóng “thiêu đốt” nhiều vùng của Mỹ, Nam Âu và Trung Quốc vào mùa hè bắc bán cầu nhiều khả năng sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mà hậu quả chính là do con người gây ra.
Chuyên gia Cordero cho rằng, mùa đông năm nay nắng nóng bất thường là điều rất đáng báo động. Ông nói: “Giống như phần còn lại của thế giới, sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và El Nino đang đẩy nhiệt độ đến mức không thể xác định được”.
Khu vực Amazon dự kiến sẽ ngày càng chịu tác động mạnh từ El Nino trong những tháng tới, làm tăng nguy cơ cháy rừng và hạn hán.
Trẻ em vui chơi giải nhiệt tại đài phun nước trong công viên ở Buenos Aires, Argentina, ngày 2/8/2023. (Ảnh: AP) |
Đợt nắng nóng ở Buenos Aires đã kết thúc vào giữa tuần trước, nhưng nhiệt độ mùa đông kỷ lục vẫn tiếp đà không suy giảm ở các tỉnh phía bắc Argentina như Formosa và Corrientes.
Bà Fernández cho biết: "Đây đã là năm nóng nhất được ghi nhận. Để dễ hình dung, chúng tôi đã trải qua 10 đợt nắng nóng trong mùa hè năm 2023 này, trong khi số đợt nắng nóng trong cả những mùa hè nóng nhất trước đợt này chưa bao giờ vượt quá con số 5".
Mức nhiệt cao kỷ lục cũng được ghi nhận ở khu vực phía nam Patagonia của Argentina, kéo dài gần đến Nam Cực. Theo bà Fernández, mùa hè ở Patagonia hiện đã ấm hơn 1,5 độ C so với 60 năm trước.
Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề khí hậu nhức nhối này? Theo Bộ trưởng Môi trường Chile, bà Maisa Rojas, việc cần làm hiện tại là khẩn trương ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.