Coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội

Tham dự Ðại hội thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024 của Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 (Bộ Quốc phòng), các đại biểu đều đánh giá cao báo cáo điển hình tiên tiến của Thiếu tá Trần Ðặng Tiến, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 về "Kết quả, kinh nghiệm giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng nhân cách quân nhân" cho bộ đội tại đơn vị.
0:00 / 0:00
0:00
Đảng ủy Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 (Bộ Quốc phòng), triển khai thực hiện mô hình “Tổ rà soát chất lượng chính trị chiến sĩ mới năm 2024”. Ảnh: Đức Truyền.
Đảng ủy Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 (Bộ Quốc phòng), triển khai thực hiện mô hình “Tổ rà soát chất lượng chính trị chiến sĩ mới năm 2024”. Ảnh: Đức Truyền.

Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18 là đơn vị có quân số đông, chiến sĩ đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, doanh trại đơn vị tiếp giáp với nhà dân, hậu phương gia đình một số quân nhân còn khó khăn. Bên cạnh đó, kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của một số chiến sĩ còn hạn chế... Trước thực tế nêu trên, thời gian qua, Ðảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn 8 đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Quyết định số 775/QÐ-CT ngày 12/5/2022 của Tổng cục Chính trị về công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tá Trần Ðặng Tiến cùng các cán bộ đơn vị thường xuyên nghiên cứu nội dung tài liệu do Tổng cục Chính trị phát hành; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng bằng nhiều hình thức, như: chi đoàn tổ chức diễn đàn; liên chi đoàn, hội đồng quân nhân, tổ tư vấn tâm lý-pháp lý… tổ chức trao đổi, mạn đàm; Tiểu đoàn tổ chức tọa đàm, để xác định rõ cách làm phù hợp với đơn vị... Các hoạt động này đã góp phần trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ các cấp trong giáo dục công tác tư tưởng tại đơn vị. Ðồng thời trực tiếp hướng dẫn cán bộ trung đội, đại đội nắm, dự báo, quản lý, định hướng, giải quyết và đấu tranh tư tưởng; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đơn vị luôn nắm chắc 5 "phải" đó là: phải gần, phải hiểu, phải tin, phải khéo và phải bền. Hằng tháng, thông báo tình hình tư tưởng, chấp hành pháp luật, kỷ luật trong toàn quân cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đồng thời định hướng tư tưởng cho bộ đội.

Coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội ảnh 1
Thiếu tá Trần Đặng Tiến, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) giới thiệu với bộ đội lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa trên Bảng tin thi đua của đơn vị. Ảnh: Đức Truyền.

Cùng với đó, Thiếu tá Trần Ðặng Tiến cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn trao đổi, thống nhất chỉ đạo tập trung đột phá nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên; phát huy hiệu quả các mô hình, như: "Mỗi ngày một câu chuyện đẹp", "Mỗi tuần một điều luật", "Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật", "3 không", "4 tốt", "Chi đoàn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật", "Ngày thứ bảy tình nguyện"; "Ngày Chủ nhật xanh"... Nâng cao chất lượng hoạt động của "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý", "Tổ 3 người", "Hòm thư góp ý", qua đó, giúp cấp ủy, chỉ huy nắm tình hình đơn vị, giải quyết kịp thời những tâm tư, vướng mắc. Ðặc biệt, khi đơn vị đảm nhiệm huấn luyện chiến sĩ mới, Thiếu tá Trần Ðặng Tiến đã chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt phương châm "3 cùng, 5 nắm". Cụ thể "3 cùng", đó là: đội ngũ cán bộ cấc cấp trong Tiểu đoàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bộ đội. Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ thường xuyên bám sát hoạt động, hướng dẫn bộ đội thực hiện nhiệm vụ; đồng thời thực hiện tốt "5 nắm", đó là: nắm tâm tư nguyện vọng; nắm lai lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe; nắm phẩm chất đạo đức, lối sống; nắm năng lực công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ; nắm mối quan hệ. Tiểu đoàn đã thành lập Tổ rà soát chất lượng chính trị (bao gồm từ chỉ huy tiểu đoàn đến tiểu đội trưởng), đối chiếu giữa hồ sơ quân nhân và phiếu nắm chất lượng chiến sĩ mới; từ đó phân loại các đối tượng để quản lý như quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, quân nhân có bố, mẹ ly hôn, quân nhân có vợ, có con... Thông qua đó, những trường hợp hoàn thành nhiệm vụ thấp, có vướng mắc về tư tưởng, chỉ huy đơn vị đã tìm hiểu nguyên nhân, phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ. Vào chủ nhật hằng tuần, đơn vị bố trí thời gian để người thân, gia đình của chiến sĩ lên đơn vị thăm, động viên bộ đội. Khi gia đình đến, cán bộ các cấp đón tiếp, trò chuyện, động viên; đồng thời thông báo với gia đình về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của quân nhân và phối hợp cùng giải quyết những vấn đề nảy sinh...

Coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội ảnh 2

Thiếu tá Trần Đặng Tiến, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 (Bộ Quốc phòng). Ảnh: Trần Kiên

Mỗi quý một lần, trong ngày sinh hoạt chính trị, văn hóa, Tiểu đoàn tổ chức phát phiếu khảo sát ý kiến chiến sĩ. Từng chiến sĩ được giấu tên, trả lời những câu hỏi trong phiếu khảo sát về thực hiện các chế độ trong ngày, trong tuần có khó khăn, vướng mắc gì? Trách nhiệm của lực lượng phục vụ và chất lượng bữa ăn như thế nào? Nguyện vọng và ý kiến đề đạt với cấp trên?... Qua đó, giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm chắc tình hình đơn vị, có thêm kinh nghiệm trong huấn luyện và quản lý bộ đội.

Bên cạnh đó, đơn vị duy trì hiệu quả hoạt động của nhóm Zalo gia đình chiến sĩ; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chung và giáo dục riêng; hằng tuần, tổ chức bình xét, biểu dương trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ, pa-nô, bảng tin...; Cán bộ các cấp thường xuyên sâu sát, gần gũi, lắng nghe bộ đội nói, từ đó hiểu và có biện pháp phù hợp để động viên tư tưởng các chiến sĩ mới.