Cùng suy ngẫm

Cơ hội tăng giá trị sản xuất, chế biến thực phẩm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm Việt Nam bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7%/năm. Giá trị sản xuất của ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm cà-phê hữu cơ Heli thay thế cà-phê chồn của Hợp tác xã Bích Thao Sơn La (Ảnh minh hoạ)
Sản phẩm cà-phê hữu cơ Heli thay thế cà-phê chồn của Hợp tác xã Bích Thao Sơn La (Ảnh minh hoạ)

Ðây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng trong việc bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ðồng thời cũng là ngành được đánh giá là lĩnh vực chịu tác động thấp nhất trước những biến động kinh tế-xã hội, bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng hằng ngày. Minh chứng là năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn đạt 4,5%. Từ đầu năm 2021, ngành sản xuất thực phẩm đã hồi phục rõ rệt với mức tăng hơn 7%.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực trên thế giới cũng góp phần quan trọng tạo ra lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm. Thông tin từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho thấy, nhu cầu nhập khẩu thực phẩm chế biến của nhiều quốc gia tăng cao sau dịch Covid-19. Không chỉ đối với khu vực thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, mà ngay cả các thị trường truyền thống như khu vực châu Á và một số thị trường mới tại châu Ðại dương, châu Phi, cũng đang gia tăng nhu cầu thực phẩm chế biến như trái cây, cà-phê, tiêu, gia vị, hạt điều, cá basa, cá ngừ...

Tuy nhiên, đến nay, trong lĩnh vực chế biến nông sản mới có hơn 7.500 doanh nghiệp tham gia, chỉ chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước với quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu. Ðiều này đang dẫn tới sự lãng phí nguồn nguyên liệu nông sản trong nước và cũng là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam dù đạt hơn 53 tỷ USD năm 2022 nhưng phần lớn vẫn là xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế.

Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển sản phẩm tinh chế, chế biến sâu để tăng lợi nhuận và nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.

Trước yêu cầu và xu hướng này, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 858/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu là tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt hơn 8,0%/năm vào năm 2025 và 10,0%/năm vào năm 2030; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến; hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới…

Các giải pháp đồng bộ được đưa ra là đổi mới cơ chế, chính sách; đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chế biến nông sản… Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả "mỏ vàng" chế biến thực phẩm, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới.