Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có sự chuyển đổi mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế đang ảnh hưởng tới hiệu quả, tính bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành hàng quan trọng này, đặc biệt là chất lượng, phẩm cấp hạt giống và chất lượng gạo hàng hóa. Để khắc phục khó khăn, hạn chế trên, ngoài sự nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân, đòi hỏi phải có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp giàu tiềm lực, có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất gạo của trung tâm.
Dự án Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản của Vinaseed được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 5,2 ha, tổng vốn đăng ký ban đầu là 350 tỷ đồng. Sau hơn tám tháng triển khai xây dựng, Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản đã xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành với công suất 100 nghìn tấn gạo/năm và 50 nghìn tấn giống/năm. |
Việc Vinaseed đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản tại tỉnh Đồng Tháp - tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo cả nước, sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo ứng dụng công nghệ 4.0 từ giống đến tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; làm cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến, bảo quản giống và sản xuất, kinh doanh lúa gạo có thương hiệu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước; góp phần thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ là niềm vui của nông dân Đồng Tháp mà còn là niềm vui chung của nông dân vùng ĐBSCL bởi dự án không chỉ cung cấp nguồn giống chất lượng mà còn góp phần tạo ra sự thay đổi lớn về tập quán quy trình sản xuất của nông dân theo chuỗi khép kín từ khâu giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, là việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân từ các sản phẩm sau gạo trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Đây là dự án có hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ và tự động hóa bằng 100% công nghệ Nhật Bản đầu tiên tại vùng ĐBSCL.