Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, chiều 11/4, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra tại thành phố Hà Nội. Sự kiện nhằm giới thiệu về vùng đất, con người, những tiềm năng và thế mạnh cùng các sản phẩm du lịch của địa phương đến đông đảo công chúng.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: “Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử, văn hoá giá trị để phát triển đa dạng loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính, bao gồm: du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm”.
Về vị trí địa lý, Thái Nguyên là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội. Diện tích tự nhiên của tỉnh hơn 3.500 km² với dân số khoảng 1,3 triệu người.
Cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km, Thái Nguyên có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Đặc biệt, tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên được hình thành với nhiều tuyến đường quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18. Ngoài ra, nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm cũng đang được tỉnh triển khai, mở ra nhiều cơ hội mới để hợp tác phát triển toàn diện về cả kinh tế-xã hội lẫn du lịch.
Các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên. |
Theo ông Lê Ngọc Linh, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê. Theo đó, có 1 cơ sở được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 cơ sở được xếp hạng Di tích cấp quốc gia và 237 cơ sở được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh có gần 300 làng nghề và khoảng 230 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng khi sở hữu non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với những danh thắng nổi tiếng như: Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà…
Tại Hội nghị xúc tiến và quảng bá du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã tìm kiếm đối tác đầu tư, ký kết hợp tác để khai thác tối đa nguồn tài nguyên, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thu hút nhiều khách tham quan. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và tăng cường xúc tiến, tuyên truyền hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến du khách trong và ngoài nước.
Một trong những điểm đặc trưng thu hút nhiều du khách tới Thái Nguyên là nơi đây có đến 51/54 dân tộc anh em. Đông nhất là 8 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông và Hoa.
Đến nay, các dân tộc vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống, sinh hoạt. Đây là nền tảng để địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, gắn chặt với nền văn hóa đa dạng.