Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích, danh thắng ở Thái Nguyên

NDO - Thời gian vừa qua và hiện nay, một số dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được xây dựng bên cạnh di tích, danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch, trong một số trường hợp dẫn đến xung đột lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Làm gì để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng?
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư khu du lịch hang Phượng Hoàng mong muốn có cơ chế thu phí tham quan di tích quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà để yên tâm đầu tư lâu dài.
Nhà đầu tư khu du lịch hang Phượng Hoàng mong muốn có cơ chế thu phí tham quan di tích quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà để yên tâm đầu tư lâu dài.

Du lịch dựa vào di tích, danh thắng

Chung quanh danh thắng hồ Núi Cốc ở huyện Đại Từ và thành phố Thái Nguyên; bên cạnh di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà ở huyện Võ Nhai... đến nay đã có một số dự án du lịch được đầu tư, khai thác, thu phí khách du lịch.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Hoa, chủ đầu tư khu du lịch hang Phượng Hoàng cho biết: Nếu như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà không có giá trị về cảnh quan, sinh thái thì chúng tôi không đầu tư kinh phí lớn để xây dựng khu du lịch hang Phượng Hoàng ở bên cạnh.

Bên cạnh hồ Núi Cốc, nhiều dự án du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn được xây dựng, đưa vào sử dụng để khai thác giá trị danh thắng, cảnh quan, môi trường sinh thái nên thu hút nhiều du khách. Không nhà đầu tư nào lại xây dựng khu du lịch mà không gắn với giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh; khi nhà đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch thì phải thu phí để hoàn vốn và trong một số trường hợp dẫn đến xung đột lợi ích.

Cụ thể, thời gian vừa qua, khi tham quan di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà, du khách phải qua khu du lịch hang Phượng Hoàng nên phải nộp phí, trong khi đó tỉnh Thái Nguyên chưa ban hành cơ chế thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh nên dẫn đến xung đột lợi ích.

Giải quyết xung đột lợi ích mang tính tình thế, Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai đề ra quy định, ngày thứ ba hằng tuần, du khách tham quan di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà miễn phí. Ngày tham quan miễn phí này, chủ đầu tư khu du lịch hang Phượng Hoàng thiết lập hàng rào chắn để du khách không vào khu du lịch sử dụng các dịch vụ do mình tạo ra, bố trí hàng chục nhân viên tổ chức để du khách tham quan di tích, danh thắng suối Mỏ Gà.

Nhiều du khách tham quan suối Mỏ Gà chốc lát, vì không có người hướng dẫn vào động Mỏ Gà, lại quay ra cửa mua vé tham quan khu du lịch hang Phượng Hoàng với cảnh quan đẹp, nhiều vị trí để chụp ảnh, sử dụng dịch vụ.
Chủ đầu tư khu du lịch cho rằng, việc tổ chức tham quan miễn phí vào ngày thứ ba hằng tuần đối với di tích lịch sử, danh thắng quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà rất nhiêu khê, bất tiện, không văn minh, không thân thiện, môi trường du lịch bị ảnh hưởng.

Hài hòa lợi ích

Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà, nhưng không có nhân lực quản lý, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, bảo tồn, quét dọn vệ sinh. Những việc này đều giao cho chủ đầu tư khu du lịch hang Phượng Hoàng đảm nhiệm.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích, danh thắng ở Thái Nguyên ảnh 1

Giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái thu hút khách du lịch hồ Núi Cốc.

Trưởng Ban Quản lý Di tích Lịch sử-Sinh thái An toàn khu Định Hóa Bùi Huy Toàn, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cho biết: Thực trạng hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích là rất cần thiết; nếu không bảo tồn thì di tích, danh thắng sẽ xuống cấp, mai một, thậm chí giá trị không còn, cho nên không thể phát huy được; ở chiều ngược lại, chỉ khi di tích, danh thắng được phát huy giá trị mới bảo tồn được.

Trong điều kiện ngân sách chưa có, hoặc kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng thì các chủ đầu tư khu du lịch có vai trò quyết định đối với việc này. Điển hình là, thời gian vừa qua chủ đầu tư khu du lịch hang Phượng Hoàng đầu tư kinh phí tôn tạo, bố trí nhân lực quản lý, bảo vệ, thu dọn vệ sinh, hướng dẫn du khách tham quan hang Phượng Hoàng, động Mỏ Gà.

Chủ đầu tư khu du lịch hồ Núi Cốc đầu tư kinh phí tôn tạo cảnh quan, hạ tầng, thu dọn rác hồ Núi Cốc khu vực dự án du lịch. Ngược lại, không có giá trị cảnh quan, mặt nước mang lại thì khu du lịch hồ Núi Cốc cũng không thể thu hút được du khách.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên chưa thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để khuyến khích, thu hút khách du lịch. Trong khi đó kinh phí bảo tồn, tôn tạo, sửa chữa, bảo vệ di tích, danh thắng chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều di tích, danh thắng không có kinh phí cho các công việc này.

Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Lịch sử-Sinh thái An toàn khu Định Hóa Bùi Huy Toàn và dư luận trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên nên nghĩ đến việc ban hành quy định về thu phí tham quan đối với một số di tích, danh thắng ở những địa chỉ có điều kiện để tạo kinh phí bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng, hài hòa lợi ích nhà đầu tư, người dân và nhà nước.