Kết nối du lịch, tạo đà phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Với nguồn tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên cùng đa dạng các di sản văn hóa, lịch sử, đồng bằng sông Cửu Long được tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển nền kinh tế tổng hợp gồm nhiều ngành chủ lực, trong đó có du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội.

Nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh, thành phố phía bắc, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội đã diễn ra vào ngày 11/4.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, do Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang và Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung chia sẻ: “Năm 2024, Kiên Giang với vai trò là Cụm Trưởng hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía tây đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch ngày càng nhịp nhàng, gia tăng hiệu quả về chất lượng và số lượng”.

Kết nối du lịch, tạo đà phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại Hội nghị.

Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích khoảng 40.577 km², với khoảng 386 km đường biên giới. Toàn vùng có 4 sân bay, gồm 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa. Nổi bật trong đó là sân bay quốc tế Phú Quốc. Việc có các cửa khẩu quốc tế đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa vùng với những thị trường lớn như: Campuchia, Thái Lan....

Đây cũng là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây với đường bờ biển dài khoảng 750 km. Cả vùng có gần 200 đảo và quần đảo. Nơi đây cũng gần tuyến hàng hải và hàng không quốc tế giữa các khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Úc và các quần thể khác trong Thái Bình Dương. Có thể thấy, đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, giữ vị trí quan trọng trong hoạt động giao lưu quốc tế.

Thông qua Hội nghị, các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long sẽ giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương, tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, chất lượng nhằm thu hút khách tham quan cùng trải nghiệm. Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, kết nối tuyến du lịch với các đối tác khu vực phía bắc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung

Trong năm 2023, đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt việc tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết và hợp tác, đẩy mạnh làm mới và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Tổng số khách du lịch đến vùng năm vừa qua đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. So với thời điểm này, doanh thu toàn vùng cũng tăng 42,59% khi đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá tiềm năng của vùng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên phong phú, mang tính đặc thù, có nhiều nét độc đáo riêng khi gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn và chợ nổi. Đồng thời, đây cũng là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc như: Kinh, Khmer, Chăm… cùng nhau sinh sống. Cho nên, vùng đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn giá trị, đặc sắc.

Trên tinh thần hợp tác cùng phát triển, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong công tác quản lý và liên kết với Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, việc tạo sân chơi nhằm kết nối doanh nghiệp lữ hành của các địa phương để cùng xây dựng tuyến du lịch giữa vùng với thành phố Hà Nội được đánh giá là rất cần thiết.

“Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long sẽ giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương, tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, chất lượng nhằm thu hút khách tham quan cùng trải nghiệm. Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, kết nối tuyến du lịch với các đối tác khu vực phía bắc”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung thông tin thêm.

Đẩy mạnh chủ đề “Du lịch chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”, VITM Hà Nội 2024 được xác định là nơi các tỉnh, thành phố khắp cả nước giới thiệu và giao lưu sản phẩm du lịch.

Năm 2024 cũng được xem là năm bản lề, khôi phục toàn diện ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 và là năm du lịch Việt Nam thúc đẩy hoạt động thu hút du khách quốc tế trong bối cảnh đất nước cần chuyển mình, thích ứng nhanh với tình hình chung của nền du lịch thế giới.