Có hay không việc bơm cát nền cao tốc gây chết lúa?

NDO - Nhiều hộ dân dọc tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phản ảnh, việc bơm cát nền phục vụ công trình này làm ảnh hưởng đến lúa của họ không phát triển và bị chết do nhiễm mặn. Ngành chuyên môn cũng xác định lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, nhưng chưa xác định nguồn mặn này từ đâu để quy trách nhiệm giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành chức năng đo nồng độ mặn tại ruộng lúa hè thu của dân bị thiệt hại.
Ngành chức năng đo nồng độ mặn tại ruộng lúa hè thu của dân bị thiệt hại.

Theo phản ánh của các hộ dân nói trên, không chỉ lúa hè thu này, mà cả vụ đông xuân 2023-2024 cũng bị ảnh hưởng bởi nồng độ mặn cao, làm lúa chết, giảm năng suất. Trong vụ đông xuân 2023-2024, bà con xuống giống theo lịch gieo sạ vào tháng 11. Ban đầu lúa phát triển tốt, tuy nhiên, sau khi xuống giống khoảng 45-50 ngày, lúa bị đỏ dần và chết bụi.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên là thời điểm này, đơn vị thi công đang tiến hành bơm cát nền, các diện tích bị thiệt hại cũng đều nằm dọc theo tuyến cao tốc đang thi công. Đến khi xuống giống vụ hè thu, tình trạng lúa chết dọc tuyến đường đang thi công vẫn diễn ra.

Theo ông Đỗ Văn Quyên, ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy: Vụ lúa đông xuân 2023-2024, khi mới sạ được khoảng 1 tháng, cây lúa phát triển tốt, không có vấn đề gì. Từ khi bơm cát thi công cao tốc, lúc đó lúa khoảng 45-50 ngày thì lúa bị đỏ và chết dần từng bụi, diện tích thiệt hại khoảng 2.200m2.

“Ban đầu người dân chúng tôi nghĩ lúa bệnh nên mua thuốc để xử lý, nhưng lúa vẫn chết. Sau đó, nông dân báo cáo lên xã, nhờ ngành chuyên môn xuống đo độ mặn thì phát hiện độ mặn quá cao. Tới vụ hè thu này, lúa lại tiếp tục chết, không có mạ dặm. Chúng tôi cho rằng do cát thi công cao tốc bị nhiễm mặn rỉ tràn qua ruộng lúa. Nông dân sống nhờ cây lúa, nhưng tình trạng lúa bị nhiễm mặn chết làm bà con thiệt thòi, nên rất mong ngành chức năng xem xét giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn”, ông Đỗ Văn Quyên cho biết thêm.

Cùng gặp tình trạng trên, ông Nguyễn Trường Sơn, kể, sau khi lúa đông xuân của gia đình ông gieo sạ được 45 ngày, cùng thời điểm đơn vị thi công bơm cát và tràn nước vào ruộng. Khi lúa đón đòng sau khoảng 5-6 ngày thì bị vàng. Đến khi lúa trổ bông thì thấy hạt lép, lúa bị đỏ nên báo lên tổ kỹ thuật xã. Cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra và cho rằng lúa bị nhiễm mặn. Trong tổng số diện tích 2.800m2 lúa đông xuân, bị thiệt hại 70%.

Có hay không việc bơm cát nền cao tốc gây chết lúa? ảnh 2

Nguồn cát nền sử dụng tại công trình cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang).

Đến vụ hè thu này, do cao tốc cắt ngang, không có kênh để thoát nước, mặn còn tồn đọng từ vụ trước nên khi lúa gieo sạ khoảng 12 ngày thì chết dần, đến nay diện tích lúa bị chết khoảng 1.200m2.

Trước tình trạng lúa đông xuân của bà con bị thiệt hại, ngày 15/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, xác minh hiện trạng.

Kết quả kiểm tra của Chi cục thủy lợi về lượng nước còn trong ruộng lúa của các hộ dân bị ảnh hưởng bằng máy đo mặn, ghi nhận nồng độ mặn là 2,5‰ và đo đối chứng phần nước bên ngoài ruộng không bị ảnh hưởng, nồng độ mặn là 0,1‰. Hơn nữa, địa bàn xã Vị Thắng nằm trong khu vực an toàn, không bị nhiễm mặn tự nhiên và không do thiên tai.

Kết quả kiểm tra hiện trạng cây lúa của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhận thấy lúa bị vàng, cháy khô 50-100%, rễ, thân và lá đều khô héo, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa vào gạo; đồng thời, cơ quan chức năng đánh giá tình hình sinh vật gây hại tại thời điểm tháng 2, tháng 3, xã Vị Thắng và khu vực bị ảnh hưởng các trà lúa từ giai đoạn đòng trổ có sinh vật gây hại là không đáng kể.

Từ các kết quả xác minh thực tế và báo cáo của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang nhận định lúa đông xuân của 9 hộ dân nêu trên với diện tích 2,48ha lúa bị chết và giảm năng suất là do nhiễm mặn.

Đối với cây lúa, tùy giống rất mẫn cảm với độ mặn. Nồng độ mặn từ 2‰ trở lên sẽ gây ảnh hưởng đến cây lúa, nhất là giai đoạn mạ và trổ bông.

Giai đoạn mạ (5-7 ngày tuổi), khi nhiễm mặn, chót lá bị cháy đỏ, tiếp theo rễ bị thối, lá bị cuốn cong chuyển màu đỏ và khô dần đi. Khi lúa trổ thì hạt bị lép lửng, nếu bị nhiễm mặn nặng thì lúa bị chết.

Thông thường, khi lúa bị nhiễm mặn với nồng độ cao, từ 6‰ trở lên phải mất từ 5-10 năm mới rửa sạch độ mặn đã thấm và tồn đọng trong đất.


Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy

Đến vụ hè thu 2024, qua phản ánh của người dân về việc diện tích lúa dọc đoạn đường đang thi công tiếp tục bị chết, Ủy ban nhân dân xã Vị Thắng đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy mời các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn khảo sát diện tích lúa bị ảnh hưởng. Tham gia cùng đoàn có đại diện của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), Công ty Trường Sơn - đơn vị thi công đường cao tốc bắc-nam đoạn Hậu Giang-Cà Mau.

Qua khảo sát thực tế tại thửa ruộng lúa hè thu có diện tích 3.700m2 của 2 hộ dân (trong tổng số khoảng 1,7ha lúa hè thu của 9 hộ dân bị ảnh hưởng, do địa phương tổng hợp) vào ngày 10/5, đoàn ghi nhận hiện trạng lúa sau sạ từ 25-30 ngày, một số diện tích bị chết trên 70%; một số diện tích bị ảnh hưởng từ 20-50%.

Kết quả đo nồng độ mặn tại ruộng lúa bị ảnh hưởng, ghi nhận là 6,6‰, tại lòng đường cao tốc là 1,8‰. Kiểm chứng tại kênh thủy lợi, nồng độ mặn là 0,4‰; nồng độ mặn tại sông Nước Đục là 0,2‰. Qua xác nhận thực tế lúa chết, lá bị cháy, rễ bị thối, vi sinh vật gây hại không đáng kể.

Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn xác định lúa bị ảnh hưởng do nồng độ mặn cao, nhưng chưa thể xác định được nguồn mặn từ đâu, bởi đại diện đơn vị thi công và đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định cát đắp nền lấy từ nguồn cát sông được cấp phép, không phải là cát biển, nên không có chuyện nồng độ mặn rỉ tràn qua ruộng làm ảnh hưởng đến lúa của bà con.

Theo ông Trần Đình Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy: Tại khu vực canh tác lúa của 9 hộ dân nói trên lâu nay trồng lúa đạt năng suất khá cao so mặt bằng chung của xã. Đối với phần thiệt hại trong vụ lúa đông xuân vừa qua, địa phương cũng đã có thống kê mức thiệt hại dựa trên đối chiếu năng suất và giá bán lúa tại thời điểm đó của các hộ khu vực lân cận và khu vực bị ảnh hưởng để tính ra mức chênh lệch. Tổng số tiền thiệt hại của các hộ dân cần hỗ trợ là trên 43,9 triệu đồng.

Về phía Ủy ban nhân dân xã, cũng rất mong ngành chức năng, các cơ quan có thẩm quyền sớm xác định rõ nguồn mặn do đâu, từ việc bơm cát hay tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lúa của bà con, hoặc do thiên tai, nhằm xác định trách nhiệm để giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con.

Hiện nay, các hộ dân có lúa bị ảnh hưởng đang trông chờ sớm được hỗ trợ thiệt hại. Điều đáng lo hơn vẫn là chưa có biện pháp xử lý triệt để khu vực đất bị nhiễm mặn, sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây lúa trong những vụ mùa tiếp theo.