Hậu Giang: Kiểm soát chặt nồng độ mặn xâm nhập trong những ngày Tết

NDO - Ngày 9/2 (30 Tết), ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đi khảo sát, kiểm tra nồng độ mặn trên các tuyến sông trọng yếu trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (bìa phải) kiểm tra nồng độ mặn tại cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (bìa phải) kiểm tra nồng độ mặn tại cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa

Tại cống Giồng Cấm, cống Hóc Pó và Trạm quan trắc đo nồng độ mặn tự động trên sông cái Ngan Dừa thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, nồng độ mặn đo được từ 0,3-0,4‰, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (năm trước đo được từ 2-3‰).

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên đã đến thăm, chúc Tết và động viên các đội quản lý, vận hành cống, trên tinh thần “vui xuân không quên nhiệm vụ”. Đồng thời, cho rằng với nồng độ mặn còn thấp như hiện nay là điều đáng mừng, nhưng không vì thế mà lơ là. Các đội quản lý vận hành cần theo dõi chặt nồng độ mặn để cung cấp thông tin đến người dân, cùng chính quyền địa phương ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo vệ tốt đồng ruộng, vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.

Để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, tỉnh cũng đã có chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cập nhật thường xuyên, có thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền cơ sở và nhân dân chủ động ứng phó.

Đối với cấp huyện, cần thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn.

Cùng với đó, triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh.

Đối với người dân, cần thường xuyên cập nhật thông tin về xâm nhập mặn, các dự báo, khuyến cáo của cơ quan chức năng từ các phương tiện truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí; thường xuyên thăm đồng, bảo vệ mùa màng đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 cống lớn, nhỏ do tỉnh quản lý (chưa kể số cống do cấp huyện quản lý). Ngoài hai trạm quan trắc đo nồng độ mặn tự động trên sông cái Ngan Dừa thuộc xã Lương Nghĩa và xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, các Đội quản lý, vận hành các cống đều có phân công người túc trực, theo dõi, đo nồng độ mặn xâm nhập, để cập nhật, báo cáo về Ban chỉ huy của huyện và tỉnh, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin về độ mặn cho người dân biết để ứng phó có hiệu quả, giảm bớt thiệt hại trong những ngày nghỉ Tết và sau Tết.

Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh, từ ngày 9 đến 12-2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 tết), nước mặn theo thủy triều biển Đông dâng cao xâm nhập vào địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy, với độ mặn có thể đạt từ 1-2,2‰; còn từ thủy triều biển Tây qua sông Cái Lớn, nước mặn xâm nhập vào các sông, rạch khu vực huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, với nồng độ có thể đạt từ 0,5-3,5‰.