Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong sản xuất lúa đến nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 96%, gieo sạ, máy cấy từ 30-35%, thu hoạch lúa 91%, vận chuyển vật tư, nông sản 95%.
Giảm chi phí sản xuất
Đồng bằng sông Hồng có lợi thế là vùng thâm canh lúa lâu đời và có thị trường tiêu thụ tại chỗ lớn, lao động nhiều, cơ sở hạ tầng phát triển. Những năm qua, khu vực này đang đẩy mạnh hiện đại hóa sản xuất lúa thông qua dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi tưới, tiêu chủ động, phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn.
Đến nay, mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa khu vực này được tập trung ở một số khâu như làm đất, tưới tiêu đạt hơn 90%, phun thuốc bảo vệ thực vật 80%, thu hoạch 80%, vận chuyển hơn 75%. Trong khi đó, một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa bằng máy đạt khoảng 12%, sấy khoảng 20%.
Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua đã và đang được các địa phương thực hiện có hiệu quả. Trong đó, nhiều địa phương có những chính sách nhằm hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa... qua đó làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân và nâng cao hiệu quả canh tác.
Đặc biệt, nhiều mô hình áp dụng cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, tại Hà Nội, mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch và đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt... vào sản xuất ở các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ với quy mô 100ha, mang lại năng suất bình quân cả năm đạt hơn 60 tạ/ha, cao hơn đối chứng từ 10-20%, giảm chi phí cho người sản xuất khoảng 30%; mô hình sản xuất mạ khay, cấy máy tại các huyện Ứng Hòa, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì... quy mô 920ha.
Qua đánh giá, riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy giảm chi phí cho người sản xuất so với sản xuất truyền thống từ 3,2-5,85 triệu đồng/ha. Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện sản xuất lúa qua việc gieo mạ khay, cấy máy quy mô 50ha tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên giúp lúa sinh trưởng và phát triển khỏe, đẻ nhánh nhiều, tập trung, độ đồng đều cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tăng năng suất.
Hơn nữa, cấy lúa bằng máy giúp bảo đảm thời vụ, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Thống kê cho thấy, năng suất lúa cấy máy đạt 66,7 tạ/ha, cao hơn 10,3 tạ, thu nhập đạt 31,8 triệu đồng/ha, tăng hơn 5,8 triệu đồng/ha so với đối chứng. Tại tỉnh Quảng Ninh, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao có liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích 94ha, năng suất đạt 57,7 tạ/ha, lợi nhuận đạt từ 15-16 triệu đồng/ha. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện nay tích tụ ruộng đất sản xuất lúa tập trung quy mô từ 5ha trở lên thực hiện được 868,4ha với 79 vùng tại 10 địa phương.
Do quy mô diện tích lớn thuận lợi cho sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch nên đã giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập từ 13-18 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ. Tỉnh Hưng Yên, đến nay thực hiện được 122 mô hình sản xuất lúa tập trung theo quy mô lớn với diện tích 2.565ha. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với truyền thống từ 7-10 triệu đồng/ha.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm (Hà Nam), diện tích sản xuất lúa trên địa bàn hiện nay là gần 5.900 ha/năm; áp dụng cơ giới vào sản xuất lúa ở khâu làm đất của huyện đạt 100%, thu hoạch 99%. Khi máy móc được đưa vào đồng ruộng đã giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc giúp nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn đã áp dụng gieo mạ khay, cấy máy đạt kết quả tốt, nhận được sự hưởng ứng của bà con nông dân.
Trong đó, vụ xuân năm 2023 gieo mạ khay, cấy máy trên địa bàn đạt hơn 2.000ha. Mở rộng diện tích cấy máy giúp giải phóng sức lao động cho người dân, bảo vệ môi trường, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất.
Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất
Mặc dù hiệu quả áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nhưng việc thực hiện vẫn còn khó khăn, bởi vùng đồng bằng sông Hồng với 98% số hộ nông dân có diện tích dưới 0,5ha; tỷ lệ thửa ruộng có diện tích hơn 500m2 chiếm gần 46,64% và tỷ lệ thửa ruộng có diện tích dưới 2.000m2 chiếm khoảng 5,04%.
Trong khi đó, mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa ở một số khâu chưa đồng đều; tỷ lệ tổn thất trong khâu thu hoạch còn cao, gấp 2 lần so với khuyến cáo của nhà cung cấp máy. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã dồn điền, đổi thửa từ 5 đến 6 thửa/ha xuống còn 2 đến 3 thửa/ha đã tạo điều kiện cho cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển. Do được cơ giới hóa nên chi phí cho sản xuất lúa giảm, trong đó khâu thu hoạch giảm từ 2,16-2,7 triệu đồng/ha; gieo cấy giảm từ 2,7-3,24 triệu đồng/ha, làm đất giảm từ 1,26-2,16 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa vẫn còn những tồn tại do thực hiện cơ giới hóa trước, trong, sau thu hoạch chưa cân đối và đồng bộ giữa các khâu do đó còn bị động.
Loại máy, công suất máy chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhất là khâu cấy, chế biến, bảo quản sản phẩm, do vậy sức cạnh tranh cũng như giá trị gạo không cao; hình thức trang bị và sử dụng cơ khí hóa còn đơn lẻ, tự phát, thiếu tính hợp tác chặt chẽ nên hiệu quả cơ giới hóa bị hạn chế…
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hiện nay ruộng đất tuy đã được dồn đổi xuống còn từ 1,2-1,5 mảnh/hộ nhưng phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điều này dẫn đến khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa.
Đội ngũ điều khiển máy, thiết bị nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo, hoặc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản, do vậy, quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn, máy móc cơ giới hay xảy ra sự cố hỏng hóc. Hơn nữa, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu của cơ giới hóa; nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất còn gặp khó khăn về thủ tục...
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các địa phương và người dân cần đẩy nhanh dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; đồng thời, tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất lúa tập trung, đặc biệt là hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi; hoàn thiện chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất; tăng cường đầu tư, nghiên cứu phát triển các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Hồng nói chung, từng vùng nói riêng và phù hợp quy mô, đặc điểm canh tác của các hộ dân; hỗ trợ nhân dân liên kết các doanh nghiệp để sản xuất lúa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn và cơ giới hóa đồng bộ; hỗ trợ bà con nông dân tăng cường áp dụng các khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất như: máy bay phun thuốc, bón phân, thiết bị số theo dõi đồng ruộng…; tổ chức, hình thành các trung tâm cung cấp dịch vụ cơ giới hóa chuyên nghiệp tại các vùng lúa chuyên canh lúa…