Theo các nhà khoa học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30 đến 35 năm, thậm chí dài hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã biết tận dụng triệt để cơ hội này để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển.
Cơ cấu “dân số vàng” cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết, như: Tốc độ tăng nhanh của số dân trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp. Ở nước ta thời điểm này cho thấy, lực lượng lao động đông về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề, kỹ năng quản lý còn bất cập. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên. Tỷ lệ thanh niên di cư tăng nhanh, nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế và phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tiếp tục duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”. Tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Ðẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực từng nghề, ngành. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đăng ký, quản lý và thống kê dân số, bảo đảm cung cấp chính xác, hiệu quả và kịp thời các số liệu cơ bản về dân số, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, triển khai chính sách trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh và đa dạng.