Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số

Trong kế hoạch chuyển đổi số với ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đặt ra nhiều mục tiêu, chiến lược để triển khai với lực lượng nhân lực rất lớn, đòi hỏi có chuyên môn sâu về công nghệ số và kỹ năng số.
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành hệ thống lưới điện tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Vận hành hệ thống lưới điện tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số được xác định là yếu tố quyết định thành bại của công việc, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ để đạt hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Thay đổi vì xu hướng tất yếu

Cách đây 20 năm, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu một số công nghệ tự động hóa lưới điện trên thế giới. Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, ứng dụng công nghệ vào ngành điện là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, công nghệ sẽ không thể hoạt động hiệu quả, nếu đơn vị không có đủ nguồn nhân lực triển khai, vận hành.

Giai đoạn từ 2010-2017, Tổng công ty đã tập trung đầu tư hiện đại hóa toàn diện hệ thống điện với việc hoàn thành nhiều dự án lớn, hiện đại như: Trung tâm điều khiển từ xa hệ thống điện đầu tiên của khối phân phối; xây dựng Trung tâm chăm sóc khách hàng đầu tiên của ngành điện cả nước; xây dựng lưới điện thông minh cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp. Hiện tại, ngành điện đã vận hành tự động 100% hệ thống lưới điện trung thế công cộng; 100% dịch vụ điện được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4,...

Đến cuối năm 2021, Tổng công ty đã xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao gồm sáu tiến sĩ, 455 thạc sĩ, 70 chuyên gia, 260 công nhân lành nghề, 187 kỹ sư ASEAN (chiếm gần 45% trong tổng số 422 kỹ sư ASEAN của cả nước). Nguồn nhân lực này trở thành lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là lực lượng chính trong thực hiện đổi mới sáng tạo trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh.

“Nguồn nhân lực này cũng tham gia quá trình đào tạo liên tục như tự đào tạo, phát triển qua hình thức nghiên cứu, đào tạo cho người lao động trẻ, bậc thợ, bậc nghề thấp hơn, tham gia các diễn đàn khoa học-công nghệ trong và ngoài nước, các hiệp hội chuyên ngành quốc tế để quảng bá hình ảnh về năng lực ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp thu kinh nghiệm từ các công ty điện lực và ngành năng lượng các nước bạn”, ông Nguyễn Thanh Nhã đánh giá.

Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động về hải quan trên địa bàn thành phố với 15 cảng biển lớn, nhỏ; một cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; khoảng 180 hãng tàu với khoảng 10 nghìn chuyến tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh/năm; hơn 55 hãng hàng không đang khai thác chiếm tỷ lệ 66% của cả nước, cùng hơn 50 nghìn doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu,...

Theo Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng, với khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy trong điều kiện số lượng biên chế giảm dần theo từng năm, vấn đề hiện đại hóa quy trình, ứng dụng công nghệ là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Quá trình thực hiện vấn đề đó, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong công tác của ngành hải quan.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình chuyển đổi số với ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công tác này còn gắn với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Để thực hiện, nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao. Đến nay, các sở, ngành chức năng đã và đang phối hợp triển khai nhiều đề án về đào tạo, tập huấn nhằm tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu trong quá trình vận hành; hỗ trợ doanh nghiệp sớm tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều giải pháp tạo nguồn nhân lực

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2022-2025; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong công tác chuyển đổi số, Sở đang hợp tác với các tổ chức quốc tế đào tạo năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, công chức thành phố. Đối với khối tư nhân, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt họ sử dụng đơn vị chuyên đào tạo chuyển đổi số. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở đưa lên Cổng thông tin chuyển đổi số thành phố những khóa học, chương trình, cẩm nang, các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ miễn phí để doanh nghiệp tự nghiên cứu.

Tuy nhiên, điều này cần sự chủ động của doanh nghiệp rất lớn. Trong khi đó, hiện một số trường đại học đã bắt đầu đào tạo những ngành chuyên sâu như trí tuệ nhân tạo (AI); khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data); điện toán đám mây (Cloud Computing); internet vạn vật (IoT),...

Mới đây, Tập đoàn BIN Corporation, một doanh nghiệp hoạt động đa ngành cũng đã ký với các đối tác thực hiện dự án hợp tác chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn.

Theo Chủ tịch Tập đoàn BIN Lê Hùng Anh, việc chuyển đổi số toàn diện, tinh gọn bộ máy vận hành giúp ban lãnh đạo sâu sát hơn trong khâu quản trị của doanh nghiệp. BIN cũng chủ động thực hiện tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân sự để “tiếp quản” và vận hành các ứng dụng và công nghệ mới mà tập đoàn đã triển khai.

Trao đổi về giải pháp tạo nguồn nhân lực, TS Trương Thái Sơn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và thẩm định quốc tế Đông Dương cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số, nhưng mảng nhân sự kỹ thuật cao là một hạn chế cần được khắc phục. Các đơn vị cần có kế hoạch cụ thể về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, có các chính sách ưu đãi dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Văn phòng MISA Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hữu Nguyên, việc đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu do chương trình đào tạo vẫn chưa thay đổi phù hợp tình hình mới. MISA đã tài trợ phần mềm cho khoảng 500 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước; hợp tác chuyên sâu với một số trường đại học để giảng dạy các chương trình liên quan chuyển đổi số.

Trong bối cảnh nhu cầu về tuyển dụng biên chế chưa được thực hiện; tỷ lệ công chức ngoài 40 tuổi khá cao (chiếm 64,2%), Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu nhân sự về công nghệ bằng cách thường xuyên cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo; hợp tác đào tạo công nghệ thông tin với các trường, viện, trung tâm nghiên cứu để đào tạo chuyên gia các lĩnh vực;... Cục cũng đề xuất tổ chức các kỳ thi tuyển công chức để thu hút, bổ sung nhân sự trẻ, có trình độ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kế cận.

Với mục tiêu đến năm 2025, ngành điện thành phố phấn đấu đạt mức phát triển ngang tầm các công ty điện lực hàng đầu các nước tiên tiến trong khu vực, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, EVNHCMC sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số với định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, EVNHCMC tiếp tục đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân chất lượng cao; đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và đào tạo để hình thành “sân chơi” cho các chuyên gia, kỹ sư ASEAN, công nhân bậc cao phát huy được tiềm năng và năng lực chuyên môn; triển khai hiệu quả hệ thống đào tạo trực tuyến Elearning của tập đoàn đến toàn thể người lao động trong đơn vị.