Việt Nam cần phải tận dụng cơ cấu “dân số vàng”

NDO -

NDĐT - Theo ông Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội, năm 2017 Việt Nam có 93,7 triệu dân, có hơn 63,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là dư lợi lớn của dân số vàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bbà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại buổi tập huấn.
Bbà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại buổi tập huấn.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Cử chia sẻ tại buổi tập huấn cung cấp thông tin cho các phóng viên cơ quan thông tấn Trung ương và Hà Nội về công tác dân số diễn ra trong hai ngày 10 và 11-10, do Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tổ chức.

Theo ông Nguyễn Đình Cử, đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn dân số vàng là cả số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 rất lớn, chiếm khoảng gần 70% tổng dân số. Khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi càng thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

Tuy nhiên, cơ cấu “dân số vàng” cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết, như tốc độ tăng nhanh của số dân trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.

Ở nước ta thời điểm này, lực lượng lao động đông về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề, kỹ năng quản lý còn bất cập. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên. Tỷ lệ thanh niên di cư tăng nhanh, nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.

Do vậy theo các chuyên gia dân số, để nâng cao hiệu quả thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” cần làm chậm quá trình “già hóa dân số”, tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực từng nghề, ngành. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đăng ký, quản lý và thống kê dân số, bảo đảm cung cấp chính xác, hiệu quả và kịp thời các số liệu cơ bản về dân số, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, triển khai chính sách trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh và đa dạng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, để tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng”, cần phải bảo đảm nhiều yếu tố như những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc; những người “có khả năng làm việc” phải có việc làm; những người có việc làm phải làm việc với năng suất, thu nhập cao. Do đó, trong khoảng thời gian 20 năm tới, bà Lan cho rằng Việt Nam phải khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.