Tận dụng cơ cấu dân số vàng

“Cửa sổ dư lợi nhân khẩu học” hay thường gọi là “cơ cấu dân số vàng” đã mở ra cơ hội duy nhất một lần trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học của mỗi quốc gia. Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội đó.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức để phát huy hiệu quả của "cơ cấu dân số vàng" cho thanh niên trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức để phát huy hiệu quả của "cơ cấu dân số vàng" cho thanh niên trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Vấn đề đặc biệt quan trọng là có tận dụng hiệu quả cơ hội này cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hay để cơ hội trôi qua và còn chịu những hệ lụy như thất nghiệp, tệ nạn xã hội... Kinh nghiệm thành công của các quốc gia tận dụng tốt cơ hội này là sớm có chiến lược nâng cao chất lượng dân số, phát triển giống nòi và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta cho việc hoạch định chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020.

Cửa sổ cơ hội nhân khẩu học được mở ra cho một quốc gia là giai đoạn khi tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi ít hơn 30% và tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên ít hơn 15% trong tổng dân số. Theo phân tích và nhận định của các nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước, cơ cấu dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” hay “ Cửa sổ cơ hội dân số” với tỷ lệ số người trong tuổi lao động cao, có hai người trong độ tuổi lao động trên một người trong độ tuổi phụ thuộc. Cửa sổ cơ hội nhân khẩu học của Việt Nam mở ra từ 2005 - 2007 và sẽ chấm dứt vào những năm khoảng 2035 (kéo dài khoảng 30 năm). Hiện nay chỉ có Nhật Bản đã kết thúc giai đoạn cửa sổ dư lợi nhân khẩu học và được coi như một bài học thành công trong việc tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng. Hai nước được gọi là những con rồng châu Á là Hàn Quốc và Xin-ga-po cũng được đánh giá là đã tận dụng tốt cửa sổ dư lợi nhân khẩu học cho việc phát triển kinh tế - xã hội và cũng chỉ kéo dài một số năm nữa.

Để thống nhất đánh giá chất lượng dân số và bảo đảm tính so sánh quốc tế, LHQ sử dụng chỉ số tổng hợp chung là Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ số này được tính toán và công bố hằng năm trong báo cáo phát triển con người. Đây cũng là chỉ tiêu mà Việt Nam thống nhất đưa vào các chiến lược dân số từ năm 2000 đến nay. Theo báo cáo phát triển con người 2015, chỉ số HDI được tính cho 188 quốc gia, chia theo bốn cấp độ: rất cao, cao, trung bình, thấp. Năm 2015 chỉ số HDI của Việt Nam là 0,666 thuộc nhóm nước trung bình với thứ tự xếp hạng 116/188 nước. Theo chiến lược dân số Việt Nam, mục tiêu HDI đạt mức 0,700 là chưa đạt được.

Chất lượng dân số cũng thường được đánh giá qua các chỉ số về thể lực của thanh niên. Nhưng theo khảo sát năm 2014, thanh niên Việt Nam có hơn 25 triệu người, chiếm 27,7% trong tổng số dân số; chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm, nữ là 152,4 cm. So sánh với chiều cao trung bình chung của thanh niên toàn thế giới thì thanh niên Việt Nam thấp hơn 10 cm; kém chiều cao trung bình của thanh niên Nhật Bản, Hàn Quốc là 8 cm; kém thanh niên Trung Quốc 7 cm; kém thanh niên Xin-ga-po 6 cm; kém thanh niên Thái-lan 5 cm.

Chất lượng dân số cũng liên quan chặt chẽ chất lượng cuộc sống. Năm 2015 trong tổng dân số của cả nước, có 31,45 triệu người sống ở khu vực thành thị và 60,24 triệu người sống ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thấp và tăng chậm, năm 2015 là 33%. Trong khi đó tỷ lệ đô thị chung của thế giới là 53%, của châu Á là 47%. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam so sánh trong khối ASEAN chỉ cao hơn Cam-pu-chia (21%) và Đông Ti-mo (32%). Ngay như Lào cũng có tỷ lệ đô thị hóa là 38%, đặc biệt Xin-ga-po là 100%. Tỷ trọng dân số thành thị/nông thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống - chất lượng dân số (để trở thành một nước công nghiệp tỷ trọng dân số thành thị phải đạt trên 45%). Tỷ trọng dân số đô thị của Việt Nam đã tăng trong giai đoạn vừa qua nhưng so với mục tiêu trở thành nước công nghiệp thì cũng còn một khoảng cách khá xa, nếu so sánh theo quy định thì trong sáu vùng của cả nước chỉ có vùng Đông Nam Bộ là đạt tiêu chí này (50%). Việc phát triển đô thị, ngoài việc xây dựng hạ tầng cơ sở, cũng kèm theo việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống, mạng lưới an sinh xã hội, lối sống văn hóa đô thị... đây cũng là những thách thức rất lớn trong giai đoạn tới.

Để nâng cao chất lượng dân số, tận dụng tốt cơ hội cơ cấu dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội, cần có những giải pháp tổng thể, trung và dài hạn về vấn đề này. Trước hết, cần tập trung ưu tiên các giải pháp nhằm giảm dị tật bẩm sinh (sàng lọc trước sinh, sau sinh; giảm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, khám sức khỏe tiền hôn nhân...). Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo nghề kỹ thuật cao (Việt Nam có tỷ lệ nhập học cao nhưng số năm học trung bình thấp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lại thấp). Nâng cao thể lực - trí lực cho lực lượng thanh niên. Tạo lao động và việc làm (với cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ người trong tuổi lao động cao nhưng tỷ lệ thiếu việc làm cao, đặc biệt cho thanh niên, chương trình tạo việc làm chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu xã hội và biến đổi cơ cấu dân số).

Trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình DS-KHHGĐ, nhưng chủ yếu mới tập trung mục tiêu giảm sinh để giải quyết vấn đề quy mô dân số. Trong giai đoạn tới, theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phải nâng cao chất lượng dân số - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - tận dụng hiệu quả cơ hội cơ cấu dân số vàng.