Đây là lần đầu tiên BTNTB được Ban Tuyên giáo T.Ư và Ban Kinh tế T.Ư đưa ra thảo luận dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư và đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư.
Bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế, khi một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định sẽ dậm chân tại mức thu nhập đó.
Từ giữa thế kỷ XX (từ năm 1950 đến năm 2010), trong số 124 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá bởi Ngân hàng Thế giới (WB), có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thì đã có 35 nền kinh tế rơi vào BTNTB, trong đó có 30 nền kinh tế rơi vào BTNTB thấp. Chỉ có 13 trong tổng số 52 nền kinh tế vượt qua BTNTB và trở thành nước có thu nhập cao.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ nhận định: “Kinh tế Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) từ năm 2010 với mức thu nhập trung bình đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD".
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cao (giai đoạn 1986-1990, đạt 4,4%/năm, giai đoạn 1991-2000, tăng 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 là 7,3%/năm). Trong giai đoạn 2011-2013, mặc dù khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,6%/năm.
Ông Huệ cho rằng: Việt Nam, cũng như các nước khác chỉ đạt được mức thu nhập trung bình, đều quan tâm đến nguy cơ vướng BTNTB liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động và năng suất tổng hợp; chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các chỉ số xếp hạng toàn cầu quốc gia…
Chung quanh vấn đề Việt Nam đã thực sự rơi vào BTNTB hay chưa, vẫn còn nhiều tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên, phần lớn các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần tìm ra cách thức để Việt Nam tránh được BTNTB trong tương lai.
Theo Giáo sư Kenichi Ohno, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS): Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho quốc gia hay doanh nghiệp bằng cách kiểm tra cẩn thận kết quả hoạt động của đối thủ để tăng trưởng kinh tế. Mở rộng quy mô của các dự án thí điểm, mô hình nên được mở rộng về quy mô địa lý và quy mô ngành ở cấp quốc gia.
Giáo sư Ohno khuyến nghị, Việt Nam nên thực hiện khuyến khích chuyển giao công nghệ, quan tâm nhiều hơn tới nâng cao năng suất lao động, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm hợp lý hóa quy trình sản xuất để tiếp tục tăng trưởng, vượt BTNTB. Việt Nam cũng cần có chính sách công nghiệp chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ mạnh mẽ nhằm đạt tăng trưởng để hỗ trợ phát triển.
Về phía Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, T.S Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng đề xuất: Trước hết chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đồng thời phân bố lại nguồn lực lao động… Để làm được điều đó, cần có sự cải cách về thể chế, chuyển đổi thu hẹp lại vai trò của Nhà nước, thay đổi lại cách thức can thiệp của Nhà nước làm cho thị trường có hiệu quả hơn.