Chuyện làm nông thôn mới ở Mường Nọc

NDO - Là địa phương có hơn 67% đồng bào các dân tộc sinh sống, khác nhau về phong tục, tập quán thế nhưng người dân luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp xây dựng hạ tầng các bản làng, đưa Mường Nọc trở thành xã đầu tiên của huyện miền núi biên giới 30a Quế Phong hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới; góp phần xóa trắng huyện nông thôn mới trong toàn tỉnh Nghệ An.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rau sạch tăng thêm thu nhập cho người dân xóm Hải Lâm (Mường Nọc).
Trồng rau sạch tăng thêm thu nhập cho người dân xóm Hải Lâm (Mường Nọc).

Năm 2020, sau khi sáp nhập hai xã Quế Sơn và Mường Nọc thành xã Mường Nọc, cả hệ thống chính trị đã dồn sức bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

Sau sáp nhập, xã mới đạt 14/19 tiêu chí; trong đó, một số tiêu chí “nặng cọc” như thu nhập, nhà ở, nghèo đa chiều, giao thông chưa đạt. Nhận diện được vấn đề, phải tập trung giải bài toán về nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là một trong những tiêu chí cực kỳ khó trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Mường Nọc.

Cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các mô hình kinh tế. Địa phương đã chỉ đạo các bản tập trung chuyển đổi đất cao cưỡng, bãi bồi sang tập trung sản xuất rau, hoa các loại.

Ban đầu từ mô hình ba ha trồng rau sạch ở Hải Lâm – xóm tập trung bà con dưới xuôi lên xây dựng kinh tế mới, xã tập trung xây dựng mô hình trồng rau ở Thanh Phong 1 và Thanh Phong 2 – bản người Thái. Huyện đã tổ chức lớp học, cấp chứng chỉ kỹ thuật trồng rau cho nông dân ở các bản này. Địa phương đã đầu tư hệ thống điện để bơm nước sông lên phục vụ tưới rau. Bà con đã đào hố sâu, lót bạt ở cuối vườn rau để trữ nước tưới. Sau một thời, vựa rau với hơn sáu ha ở hai bản này đã nổi tiếng khắp vùng. Mùa nào, rau nấy cung cấp cho cả thị trấn và vùng lân cận.

Chuyện làm nông thôn mới ở Mường Nọc ảnh 1

Người dân Thanh Phong 1 - bản người Thái mừng vui khi rau được giá.

Gia đình ông Lê Văn Thành ở bản Thanh Phong 1, là một trong những hộ đầu tiên trồng rau, cho biết: Với hơn 400m2, trung bình mỗi vụ rau cho gia đình thu nhập hơn 13 triệu đồng. Những năm qua giá cả, đầu ra luôn ổn định nên gia đình rất phấn khởi, yên tâm trồng rau. Nhờ trồng rau mà cuộc sống của nhiều gia đình người Thái cũng dần ổn định hơn với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/hộ/tháng.

Giờ đây, một số gia đình đã chuyển dần từ trồng rau sang trồng hoa cho thu nhập cao hơn. Chẳng hạn như anh Trần Văn Thể ở xóm Hải Lâm, ngoài ba sào trồng rau còn trồng thêm 7.500 cây hoa các loại. Dự kiến trong dịp Tết này, anh Thể bán được khoảng 35-40 triệu đồng từ số hoa này. “Vào dịp lễ Tết hay ngày rằm, hoa tươi của bà con Mường Nọc trồng đã tràn ngập thị trấn và vùng lân cận thay cho việc mua hoa từ Vinh và các huyện đồng bằng lên”, anh Trần Văn Thể cho biết thêm.

Chuyện làm nông thôn mới ở Mường Nọc ảnh 2

Anh Trần Văn Thể chăm vườn hoa phục vụ Tết Giáp Thìn sắp tới.

Là địa phương có hơn 67% đồng bào các dân tộc sinh sống, khác nhau về phong tục, tập quán thế nhưng người dân luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp xây dựng hạ tầng các bản làng, đưa Mường Nọc trở thành xã đầu tiên của huyện miền núi biên giới 30a Quế Phong hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới; góp phần xóa trắng huyện nông thôn mới trong toàn tỉnh Nghệ An.

Phát huy thế mạnh địa phương, Mường Nọc đã duy trì hơn 200ha lúa nước, 630ha mía, sắn, ngô, khoai, lạc cùng hơn 250ha cây ăn quả... Mường Nọc còn chỉ đạo bà con phát triển mô hình nuôi trâu, bò nhốt kết hợp với việc tận dụng đất ven đồi trồng cỏ voi. Đến nay, toàn xã có đàn trâu bò 1.800 con cùng 1.700 con lợn, 37.000 con gia cầm...

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Nọc Quang Văn Phương cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã còn khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ban đầu người dân còn ngần ngại vì chưa hiểu đi xuất khẩu lao động là như thế nào. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi thấy được hiệu quả từ những người tiên phong, nhiều thanh niên trong bản đã đăng ký để đi xuất khẩu lao động. Hiện toàn xã có 160 lao động đi xuất khẩu ở các nước như: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... cùng với hàng trăm lao động làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Hà Văn Hòa ở bản Đai (Mường Nọc) chia sẻ: Trước đây gia đình chủ yếu dựa vào rừng để sống, không nghĩ đến một ngày gia đình được ở trong một ngôi nhà khang trang rộng 100m2 như thế này. Có được ngày hôm nay là nhờ thành quả của người con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) từ ba năm trước. Trung bình mỗi tháng người con trai gửi về hơn 20 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế, đầu năm 2023 này, gia đình cũng cho người con trai thứ hai đi Đài Loan (Trung Quốc).

Phát huy thế mạnh vùng gần thị trấn Kim Sơn – huyện lỵ Quế Phong, mỗi bản đều thành lập từ sáu đến tám đội thợ nề, tổ cơ khí; mỗi tổ, đội từ năm đến bảy người để phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện và vùng lân cận…

Với hướng đi đúng đắn, thu nhập của người dân ở Mường Nọc ngày một tăng cao. Năm 2023 thu nhập bình quân toàn của xã đã đạt 42,4 triệu đồng/người/năm cao hơn thu nhập bình quân của huyện là 38 triệu đồng/năm. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã cũng giảm xuống, chỉ còn 6,43%, theo tiêu chí mới…

Năm 2023, Mường Nọc cũng triển khai quyết liệt làm nhà cho người nghèo, người có nhu cầu về nhà ở. Nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, xã đã chủ động rà soát, lập danh sách các hộ khó khăn về nhà ở; thành lập ban chỉ đạo, tổ hỗ trợ làm nhà các hộ chính sách, già cả, neo đơn. Các đoàn thể huy động hàng trăm lượt hội, đoàn viên, cùng lực lượng công an, quân sự giúp đỡ các hộ dân tháo nhà cũ, làm móng nhà,…

Để ngôi nhà làm mới bề thế hơn, địa phương đã vận động anh em họ tộc giúp đỡ thêm ngày công, tiền của, vật liệu... Nhờ đó, 2023 là năm thành công nhất của địa phương trong việc xóa nhà tạm, dột nát với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, khi xây mới và sửa chữa được 114 nhà ở cho người nghèo với tổng kinh phí 5.425 triệu đồng. Hiện, trên địa bàn xã cơ bản không còn nhà tạm bợ, dột nát.

Chuyện làm nông thôn mới ở Mường Nọc ảnh 3

Các lực lượng vũ trang huyện Quế Phong giúp những hộ nghèo neo người làm nhà ở.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Nọc: Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và huyện, cùng sự vận động đóng góp của người dân bằng tiền, bằng ngày công lao động và hiến đất, giải phóng mặt bằng mà trục đường thôn và đường liên thôn dài 20,86km đã được bê-tông hóa, bảo đảm ô-tô đi lại thuận tiện. Các công trình như: cầu cứng qua sông Nậm Giải, đường giao thông liên bản Thanh Phong 1 - Thanh Phong 2, thủy lợi Truông Bành đã được khởi công hay sửa chữa.

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm đến 67%. Việc nhận thức, hiểu biết về xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Để cho dân tin tưởng và làm theo, ngay từ đầu, xã đã tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, mình là chủ thể xây dựng nông thôn mới, sau đó mới tuyên truyền cho người dân. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, như giải phóng mặt bằng, góp công, góp quỹ để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình dân sinh… Khi người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, từ đó “nghìn người như một” đồng lòng, chung sức.

Đến nay, Mương Nọc đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang trình tỉnh phê duyệt và công nhận trong đầu năm 2024 này.

Là địa phương đầu tiên của huyện 30a này hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, để tạo khí thế, sức lan tỏa đến các xã khác trong toàn huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phát động các địa phương học tập Mường Nọc trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục huy động các nguồn lực chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế vườn, trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao ra trên diện rộng để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân...

"Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các chính sách của Nhà nước thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia như Giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình khác cũng như huy động tối đa nguồn lực của địa phương và cộng đồng để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả nhất…", Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong nhấn mạnh.