Từ các mô hình chăn nuôi
Chúng tôi lên vùng biên giới Quế Phong, nghe các già làng, trưởng bản kể, Quế Phong là vùng đất “mới nắng tí đã khô, mưa xuống là nhão nhoét, đất không giữ được nước”, nên việc canh tác rất khó khăn. Cùng với những chương trình, chính sách của Chính phủ hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, huyện chủ động lồng ghép các chương trình, chính sách này với các chính sách đặc thù của tỉnh. Các chính sách, chương trình ở các địa phương đều dựa vào việc phát huy lợi thế phát triển kinh tế, như: Nuôi ong ở xã Châu Thôn, trồng cây chanh leo ở xã Tri Lễ, trồng mía ở xã Quế Sơn; nuôi gà đen và lợn Móng Cái ở xã Châu Kim; nuôi vịt trời, vịt bầu ở xã Quỳ Châu và Tiền Phong…
Gia đình anh Trần Đình Sơn ở thôn 1, xã Tiền Phong, trước kia rất khó khăn, lo ăn từng bữa. Sau khi được huyện, xã tạo điều kiện giúp vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh đầu tư trồng rừng keo, nuôi lợn và vịt trời. Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh có từ 50 đến 80 con, đàn vịt hơn bảy nghìn con, giúp anh hoàn trả vốn vay, từng bước vươn lên làm giàu, chăm lo cho con ăn học…
Chúng tôi về xã Hạnh Dịch, gặp già Lưu Thanh Khê, dân tộc Thái, ở bản Pỏm Om, trước đây là một trong số hộ nghèo của xã. Già Khê kể: “Dù diện tích đất đồi rộng, nhà đông con nhưng vẫn vất vả, không đủ ăn. Cái nghèo, cái đói cứ bám mãi. Từ khi cán bộ khuyến nông huyện về mở lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, nay bà con biết cách trồng trọt, chăn nuôi, đời sống đồng bào khá hơn nhiều rồi. Gia đình già đã nuôi được mười con trâu, năm con bò và đào ao thả cá, nuôi vịt và trồng 2 ha rừng keo, nay cũng thoát nghèo rồi, chăm lo cho con cháu ăn học đàng hoàng…”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch Lương Thi Đào cho biết: “Hạnh Dịch vẫn là một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 48,80%) trong tổng số hộ. Ngoài ra, địa hình chia cắt, các thôn, bản nằm dưới các quả đồi dọc theo sông Nậm Việc. Xã còn sáu thôn, bản không có hệ thống điện lưới, sóng điện thoại; trâu, bò thả rông vào rừng, cho nên khó kiểm soát dịch bệnh. Từ khi có cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện về hướng dẫn, bà con biết cách chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, hàng nghìn hộ đồng bào Thái, vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi trồng trọt…”.
Đến phát triển chuyên canh
Từ thị trấn Kim Sơn, đi dọc quốc lộ 48, ngược lên xã biên giới Tri Lễ hơn 30 km, là nơi định canh, định cư của bốn dân tộc anh em: Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông. Những năm trước, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở đây rất phức tạp.
Phó Bí thư Đảng ủy xã, Thượng tá Đoàn Thiên Thương cho biết: “Tri Lễ là xã biên giới nghèo, 100% số dân là đồng bào DTTS, trình độ dân trí thấp. Đồng bào chỉ vào rừng săn bắn và sang bên kia biên giới làm thuê kiếm sống, cho nên cuộc sống vất vả lắm…”. Năm 2010, huyện có chủ trương đưa cây chanh leo về xã trồng thí điểm 2 ha. Đến nay, toàn xã đã trồng hơn 120 ha. Cây chanh leo đã bám rễ và trở thành cây chủ lực của xã, không chỉ giúp bà con có việc làm mà còn thoát được nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu. Điển hình là gia đình chị Vi Thị Duyên, dân tộc Thái ở bản Yên Sơn, trồng một héc-ta cây chanh leo kết hợp nuôi gà, mỗi năm thu nhập gần một trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vi Văn Sơn ở bản Yên Sơn, có gần 2.000 m2 trồng chanh leo, mỗi vụ thu hoạch gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thực hiện mô hình chanh leo trên giàn và nuôi gà, trồng gừng phía dưới. Anh Sơn kể: “Chi phí cho một sào chanh leo gồm giống, cột, làm giàn, phân bón khoảng 5 triệu đồng. Sau gần một năm trồng, cây chanh leo cho thu hoạch từ chín đến mười tấn. Với giá thị trường hiện nay, từ 14 đến 15 nghìn đồng/kg, thì thu nhập gấp năm, sáu lần trồng lúa".
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp cho biết: “Dự án phát triển cây chanh leo tại Quế Phong được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng diện tích 1.500 ha. Đến nay, toàn huyện trồng được gần 300 ha, trong đó, Công ty Nafoods trồng 40 ha, còn lại người dân trồng. Bước đầu, sản phẩm giống, quả chanh leo do Công ty Nafoods bao tiêu, chế biến xuất khẩu… Đến nay, tổng diện tích cây chanh leo trên đất Tri Lễ đạt hơn 120 ha, năng suất từ 30 đến 35 tấn/ha”. Mục tiêu của huyện Quế Phong phải đưa diện tích trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Tri Lễ đạt 400 ha và toàn huyện 900 ha vào năm 2020. Do đó, UBND huyện đã và đang nỗ lực triển khai tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ mọi điều kiện cần thiết để bà con trồng chanh leo. Hiện nay, bên cạnh chanh leo, Quế Phong triển khai trồng dưa hấu và đào Mông. Mặc dù chỉ mới trồng thử nghiệm tại một số bản người Mông với quy mô nhỏ, nhưng bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan về kinh tế…
Ngoài những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Quế Phong cũng hỗ trợ cho các xã chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng giống lúa Japonia (Nhật Bản). Thời gian đầu, huyện hỗ trợ người dân 50% giá giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, nhiều hộ gia đình ở các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tri Lễ và Tiền Phong đã chuyển sang trồng lúa Japonica, nâng tổng diện tích giống lúa này lên gần 300 ha trong vụ xuân 2016, ước tính sản lượng đạt hơn 1.500 tấn, giá gấp 1,5 lần trồng lúa thường. Quế Phong sẽ nhân rộng mô hình sản xuất dòng lúa Japonica làm giống lúa chủ lực và xây dựng sản phẩm gạo thành đặc sản, có thương hiệu hàng hóa và tham gia xuất khẩu. Từ khi có những chính sách của Nhà nước, bình quân mỗi năm toàn huyện giảm từ 4 đến 5% số hộ nghèo.
Những nỗ lực vượt khó, những mô hình chăn nuôi, chuyên canh… phát triển bền vững, đang mang lại hiệu quả kinh tế trên huyện biên giới Quế Phong, là tiền đề vững chắc tạo những bước chuyển mới và hướng đi mới, giúp bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững, tự tin hội nhập với nền kinh tế chung của tỉnh Nghệ An.