Việt Nam kiên cường thực hiện mục tiêu kép

Bài 4: Nỗ lực vượt khó

NDO -

Ngăn chặn, khống chế dịch Covid-19 hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu kép. Ý thức được điều này, các tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp lớn đều quyết liệt triển khai giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, hạn chế tình trạng sản xuất ngưng trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, các ngành chức năng vào cuộc cùng các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại người dân.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng vẫn duy trì hoạt động sản xuất liên tục trong thời kỳ phòng, chống dịch bệnh (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng vẫn duy trì hoạt động sản xuất liên tục trong thời kỳ phòng, chống dịch bệnh (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Không để đứt gãy sản xuất

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
Ảnh 1: Công nhân được bố trí ăn ở tại chỗ trong nhà máy để sản xuất tại Công ty Sam Sung Bắc Ninh. Ảnh: THÁI SƠN 

Tỉnh Bắc Ninh hiện đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, với 12 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp, hơn 400 nghìn công nhân. Nếu dịch bùng phát, các khu công nghiệp dừng sản xuất trong 14 ngày, giá trị sản xuất công nghiệp ở Bắc Ninh giảm 50 nghìn tỷ đồng. Chính vì thế, tỉnh luôn xác định phải thực hiện tốt “mục tiêu kép” để bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa sản xuất để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

30_6_Bac_Ninh_2-1625144029580.jpg
Ảnh 2: Công nhân được bố trí ăn ở tại chỗ trong nhà máy để sản xuất tại Công ty TNHH Goertek VINA. Ảnh: THÁI SƠN 

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 trên địa bàn, để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, ngày 26-5, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra giải pháp chưa có tiền lệ, đó là đưa công nhân vào lưu trú vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy, với công nhân không đi làm thì ở lại nhà trọ "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết,  Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nếu muốn duy trì sản xuất phải chuẩn bị điều kiện để bố trí người lao động ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy. Doanh nghiệp phải phân bổ tăng ca hợp lý để giảm ít nhất 50% số lượng công nhân đi làm việc. Đối với các dây chuyền sản xuất không cần thiết, xem xét việc tạm dừng để giảm số lượng công nhân đi làm. Khi đưa công nhân vào làm việc trong nhà máy, doanh nghiệp phải bố trí xét nghiệm tập trung, những người có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ mới được đến làm việc. Công nhân, người lao động cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý khu công nghiệp hoặc các cơ quan chức năng giám sát ngoài cổng. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ, nơi cư trú quản lý tương tự như trường hợp F2. Tất cả các lao động không tham gia sản xuất mà ở tại nhà trọ, nơi cư trú không được đi ra khỏi nơi cư trú. Trong quá trình triển khai, tỉnh thành lập 40 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch, kiên quyết tạm dừng sản xuất đối với tất cả các nhà máy không bảo đảm các yếu tố phòng, chống dịch, đồng thời kịp thời cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại để bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

30_6_Bac_Ninh_3-1625144030102.jpg

Công ty TNHH Vạn Lợi gấp rút sắp xếp chỗ ở cho công nhân làm việc tại nhà máy. Ảnh: THÁI SƠN 

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh Bùi Hoàng Mai cho biết, ngay từ ngày đầu triển khai (2/6) đã có hơn 500 doanh nghiệp hoàn thiện và gửi phương án, kế hoạch bố trí cho người lao động ăn, ở và làm việc lại tại công ty chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh.

Định kỳ mỗi tuần, các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm túc việc xét nghiệm cho tối thiểu 20% số công nhân viên ở lại nhà máy. Từ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo. Cho nên, dù đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, song kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sáu tháng đầu năm 2021 tăng 7,45% so với cùng kỳ 2020; thu ngân sách nhà nước tăng 7,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%.

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
 Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: ĐĂNG ANH) 

Bắc Giang có bốn khu công nghiệp lớn nằm liền kề với nhau là Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng. Ổ dịch Covid 19 đầu tiên trong khu công nghiệp Vân Chung, tỉnh Bắc Giang nhanh chóng lây lan sang khu công nghiệp Quang Châu và đe dọa hai khu công nghiệp còn lại.

30_6_Bac_Giang_1-1625144029705.jpg
Phun khử khuẩn cho phương tiện vào Công ty Newwing Interconect Technology Bắc Giang. Ảnh : ĐẶNG GIANG 

Ngày 17/5, tại hai điểm dịch trong khu công nghiệp đã ghi nhận 304 trường hợp F0. Sau khi xin ý kiến của Chính phủ, ngày 18/5, tỉnh Bắc Giang tạm dừng hoạt động ở cả bốn khu công nghiệp trên để phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch hỏa tốc về việc tổ chức lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp từ ngày 28/5. Với phương châm “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, tỉnh Bắc Giang yêu cầu các doanh nghiệp trước khi quay trở lại hoạt động phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất và được hướng dẫn đầy đủ các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn trong điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch, phải bố trí ký túc xá cho người lao động ăn ở riêng. Người lao động ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng. Doanh nghiệp phải có khu nhà sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho người lao động khi cần thiết, bố trí phương tiện đưa, đón người lao động…

30_6_Bac_Giang_2-1625144029774.jpg
Chuẩn bị chỗ ở chô công nhân công ty TNHH Si Flex Bắc Giang trở lại làm việc. Ảnh: ĐẶNG GIANG 

Từ ngày 29/5, hai doanh nghiệp đầu tiên đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch đã bước đầu đi vào hoạt động. Tính đến ngày 25/6, tỉnh Bắc Giang đã thẩm định và chấp thuận cho 183 doanh nghiệp với gần 30 nghìn lao động đủ điều kiện sản xuất an toàn Covid-19 được cho phép hoạt động trở lại. Bước đầu Bắc Giang đã thành công trong việc nối lại sản xuất trong các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo niềm tin lớn đối với nhân dân, doanh nghiệp trong trận chiến với Covid-19.

Lá chắn phòng dịch nơi sản xuất

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
Công ty Michigan Hải Dương luôn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để duy trì sản xuất. (Ảnh: QUỐC VINH)  

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba đã từng tấn công các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương, nên đợt này, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác phòng dịch bệnh trong các doanh nghiệp, trong đó việc thành lập các tổ “an toàn Covid” với các thành viên gồm lãnh đạo, cán bộ công đoàn, y tế, người lao động làm việc tại tổ sản xuất được coi là giải pháp hiệu quả lâu dài mang tính phòng ngừa cao.

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
 Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng tại các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. (Ảnh: QUỐC VINH)

Công ty Điện tử Poyun ở khu công nghiệp Cộng Hòa (TP Chí Linh) - nơi bùng phát đợt dịch thứ ba đã thành lập 18 tổ "an toàn Covid" nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch ở mức độ cao hơn khuyến cáo của cơ quan chức năng, quyết tâm không để dịch quay trở lại doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Lê Thị Hường, hằng ngày, các thành viên trong tổ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giám sát công nhân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch; tham mưu đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp mỗi tháng thưởng 300 nghìn đồng cho công nhân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch và xử phạt 300 nghìn đồng đối với người không thực hiện nghiêm quy định.      

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng vẫn duy trì hoạt động sản xuất liên tục trong thời kỳ phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG) 

Là thành phố công nghiệp, ngay từ những đợt dịch bệnh bùng phát đầu tiên, Hải Phòng đã chú trọng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập các khu công nghiệp tập trung. Các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh được thành phố triển khai khá nhanh, quyết liệt và “căng” hơn một mức so với các địa phương khác. Vì thế mà đến thời điểm này, Hải Phòng được coi là địa bàn an toàn.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, như: Y tế, Liên đoàn lao động và các chủ doanh nghiệp trong chủ động, tích cực kiểm soát dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất.

Đến nay, Hải Phòng đã hoàn thành việc xét nghiệm đợt 1 cho khoảng 100 nghìn lao động, chiếm 60% lao động trong các khu công nghiệp. Hiện đang thực hiện xét nghiệm toàn bộ công nhân lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến Hải Phòng và tiến tới toàn bộ 166 nghìn lao động đang làm việc tại 12 khu công nghiệp của thành phố được xét nghiệm, bảo đảm các khu công nghiệp không có nguy cơ dịch bệnh...

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
Sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). (Ảnh: ĐĂNG ANH) 

Trên địa bàn Hà Nội có hơn 250 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với gần 2,5 triệu lao động. Tại chín khu công nghiệp, chế xuất và khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 660 dự án đầu tư, với hơn 160 nghìn người lao động, trong đó có hơn 60% là lao động ngoại tỉnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tấn công trực diện vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, rút kinh nghiệm từ các địa phương lân cận, thành phố Hà Nội đã sớm triển khai các biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp, quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Đến nay, đã có 3.848 doanh nghiệp trên địa bàn thành lập‘‘Tổ An toàn Covid-19’’ với 10.518 tổ và 46.950 người tham gia. Trong đó, riêng Công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội có 389 doanh nghiệp triển khai với 2.061 ‘‘Tổ an toàn Covid-19’’, thu hút 8.523 người tham gia.

 TP Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, trong đó có 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 280 nghìn công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài. Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã gấp rút triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên trong các nhà máy và phân xưởng.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đều xây dựng các phương án, kịch bản trong trường hợp có công nhân mắc Covid-19 và việc thực hiện biện pháp cách ly, giãn cách trong doanh nghiệp để không lây lan, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác và cộng đồng.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
Vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại TP Hải Phòng qua sự kết nối của ngành nông nghiệp. (Ảnh: QUỐC VINH) 

Từ tháng 5 đến tháng 9, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… bước vào giai đoạn chính vụ thu hoạch nhiều loại hoa quả, nông sản. Nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa khó khăn, sức mua trên thị trường giảm sút, cần có sự chung tay hỗ trợ tiêu thụ và những giải pháp mới, phù hợp hơn.

Năm nay, hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đều được mùa vải thiều. Ước tính sản lượng vải thiều của Hải Dương là hơn 50 nghìn tấn, Bắc Giang đạt hơn 180 nghìn tấn quả. Các năm trước, thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% sản lượng.

Tuy nhiên, năm nay dịch Covid-19 bùng phát, thương nhân người Trung Quốc không thể sang thu mua vải. Đầu ra cho quả vải với kịch bản bị dịch bệnh tác động tiêu cực đã được các tỉnh tính đến.

Ngay từ đầu năm 2021, chính quyền hai tỉnh đã đồng hành cùng người dân xây dựng vùng sản xuất vải thiều an toàn trước dịch Covid, với mục tiêu các huyện trồng vải thiều trọng điểm như Lục Ngạn và Tân Yên (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) không có phát sinh dịch Covid trên địa bàn. Cùng với đó, chính quyền hai tỉnh khẩn trương làm việc với các bộ, ngành liên quan đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, trong đó trọng tâm là mở rộng tiêu thụ trong nước.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết, để lo đầu ra cho vải thiều, tỉnh đã thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0; khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Lazada, Tiki và Sendo... nhằm quảng bá kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu.

Nhờ vậy, đã có khoảng mười doanh nghiệp đặt hàng thu mua vải trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU… Mỗi doanh nghiệp dự kiến thu mua từ 300-500 tấn vải. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến nông sản đã thu mua từ 500-1.000 tấn vải VietGAP để làm vải cấp đông, thạch vải, giấm vải, siro vải…

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
 Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Với sự vào cuộc quyết liệt trong vai trò nhà nước hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, quả vải thiều Bắc Giang đã lên các sàn giao dịch điện tử. Xe chở vải thiều được tạo luồn xanh ưu tiên tối đa lưu thông trên cả nước. Lái xe và thương nhân thu mua vải được tiêm vaccine phòng, chống Covid, được xét nghiệm Covid-19 và cấp giấy chứng nhận an toàn trước khi lên đường đi tiêu thụ.

Bước vào mùa thu hoạch vải thiều, tỉnh Bắc Giang tổ chức thành công hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó, 22 điểm cầu trong nước, tám điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc. Tỉnh cử hai tổ công tác thường trực tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai hỗ trợ xuất khẩu vải thiều. Xe vải thiều qua cửa khẩu được ưu tiên luồng xanh, thông quan một cách nhanh nhất.

Với sự vào cuộc tích cực hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nhưng quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), Bắc Giang vẫn được tiêu thụ thuận lợi.

Đến ngày 23/6,  Hải Dương đã cơ bản tiêu thụ hết lượng vải thiều, Bắc Giang đã bán được hơn 165 nghìn tấn vải thiều, đạt 87% tổng sản lượng. Bình quân mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ hơn 7.000 tấn, giá bán dao động 10.000 đồng - 25.000 đồng/kg, tương đương những năm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

Đáng chú ý, vải thiều xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Australia đạt hơn 70 tấn. Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà cho biết: Việc đưa sản phẩm vải thiều lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Từ nền tảng thương mại điện tử, người dân sẽ làm quen với cách thức sản xuất, tiêu thụ hiện đại, mở ra hướng đi mới, quan trọng cho việc ứng dụng chuyển đổi số làm gia tăng giá trị thương mại nông sản.

Bài 4: Nỗ lực vượt khó -0
 Người dân Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ vải Bắc Giang. (Ảnh: ĐĂNG ANH)

Với những cách làm chủ động, sáng tạo và sự chung sức của cả nước, Hải Dương, Bắc Giang không chỉ đang thành công trong công tác phòng, chống dịch mà còn cung cấp những bài học kinh nghiệm thực tiễn cho cả nước về tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện địa phương bùng phát dịch bệnh.