Chuyển động mới nơi vùng đất Đông Nam Bộ

Những ngày đầu tháng 1/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác đã về thăm và làm việc với đồng chí, đồng bào hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Ninh. Năm nay được xác định là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hai tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với bước đổi thay khởi sắc toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Công trường thi công cầu đường 991B, một công trình trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Công trường thi công cầu đường 991B, một công trình trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, năng động, với tư duy, cách nghĩ, cách làm sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh nêu trên triển khai nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, phát huy cao nhất thế mạnh, tiềm năng tại chỗ, huy động các nguồn lực, động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Tiếp tục "đà" đổi mới, năng động, đột phá

Từ sáng sớm, hàng trăm cán bộ, công nhân với dãy dài thiết bị máy móc, xe tải hạng nặng các loại sẵn sàng cho ngày ra quân ngay trên con đường đất rộng thênh thang mù mịt bụi đất, thuộc công trường Dự án thành phần ba Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tại thị xã Phú Mỹ. Điều đó thể hiện quyết tâm khẩn trương, bắt tay vào công việc của đội ngũ công nhân, người lao động ngay từ đầu năm.

Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vai trò lớn về kinh tế, văn hóa, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là lá cờ đầu trong sự nghiệp đổi mới. Sau 33 năm thành lập (1991-2024), khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa lý, là "cửa ngõ" hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; tỉnh có những quyết sách đúng đắn, bước đi táo bạo, đúng thời điểm, có tính bước ngoặt để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, xứng đáng vai trò cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia.

Với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, năng động, với tư duy, cách nghĩ, cách làm sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Ninh triển khai nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, phát huy cao nhất thế mạnh, tiềm năng tại chỗ, huy động các nguồn lực, động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Bà Rịa-Vũng Tàu hiện là một trong những địa phương mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, thuộc nhóm 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Tỉnh luôn tự cân đối được ngân sách, thuộc nhóm các địa phương tốp đầu đóng góp ngân sách cho quốc gia, hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ, chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện toàn diện.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch tích cực, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Điểm sáng phát triển của tỉnh thể hiện qua kết quả bước đầu hình thành hai ngành công nghiệp mới của nền kinh tế. Cụ thể với Công nghiệp hóa dầu là Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tổng vốn 5,3 tỷ USD và Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung 1,3 tỷ USD.

Công nghiệp tạo thiết bị điện gió giữa Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với Công ty năng lượng Đan Mạch trị giá 1 tỷ USD, đặt nền móng quan trọng phát triển tỉnh thành trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ trong tương lai.

Quyết liệt hành động với tầm nhìn xa

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây đề ra một số định hướng lớn: Giai đoạn 2025-2030, tập trung bốn trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ.

Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm năm địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước, cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến cho biết, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực hơn 80 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng giai đoạn 2021-2025, Điều này giúp tháo gỡ điểm nghẽn về phát triển kinh tế của địa phương trong nhiều năm. Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp xu thế thế giới, theo đó, thu hút được 458 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký khoảng 31,35 tỷ USD và 710 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 384.983 tỷ đồng. Riêng ba năm 2021, 2022 và 2023 tỉnh thu hút 139 dự án, với tổng số vốn đăng ký quy đổi đạt 4,65 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho biết, là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng, là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Tỉnh được xem như một trong những địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian qua, Tây Ninh triển khai hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, nhất là chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật, thực thi công vụ; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương.

Nội dung trọng tâm khác là triển khai có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số nhằm cải thiện rõ nét các chỉ số cải cách hành chính, quản trị công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

Các thành viên Đoàn công tác của Quốc hội dịp này quan tâm tìm hiểu việc địa phương thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng liên kết phát triển với phân vùng động lực theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các mục tiêu lớn được lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành quan tâm như: cách thức, cách làm cụ thể như thế nào để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh và đô thị sinh thái gắn phát triển du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, phát triển kinh tế cửa khẩu; mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng...

Với các mục tiêu được nêu rõ trong quy hoạch của hai tỉnh nói riêng, một trong những nội dung được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp tục có phương án tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "đa chức năng, đa động lực, đa mục tiêu và đa cực tăng trưởng". Hai địa phương cần làm mới, tiếp thêm sức mạnh cho động lực tăng trưởng đã có, thúc đẩy hình thành động lực tăng trưởng mới, nhất là động lực về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Trao đổi với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với việc tỉnh lựa chọn những đột phá phát triển gồm: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ.

Lan tỏa tinh thần chủ động, sáng tạo và kiến tạo

Tại các địa phương, kết quả quan trọng còn được thể hiện trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ nét với nhiều mô hình, cách làm hay trong cả xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội.

Thí dụ, tại Tây Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy, bảo vệ chính trị nội bộ. Chỉ đạo, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội; các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị nghiêm túc, đúng quy định.

Thực tế cho thấy, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại nhiều địa phương trên cả nước ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn.

Phương thức dự các phiên họp trực tuyến hoặc theo dõi các phiên họp trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương nghiêm túc tiếp thu và học tập rất nhiều kinh nghiệm. Điều này góp phần tăng tính linh hoạt, năng động, sáng tạo "từ sớm, từ xa" trong nhiều hoạt động tại địa phương.

Chuyển tải thông điệp mạnh mẽ trong năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Ngay từ bây giờ, Quốc hội, Chính phủ cần bắt tay ngay vào việc triển khai, thực hiện các quyết sách lớn đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Quốc hội không chỉ phấn đấu trở thành một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, mà còn phải rất linh hoạt, sáng tạo, bắt kịp yêu cầu cuộc sống, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội cần nỗ lực hơn nữa, thể hiện cao nhất tinh thần kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Những con số ấn tượng nói lên thành quả rất quan trọng của quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập của Bà Rịa-Vũng Tàu từ đầu nhiệm kỳ đến nay: Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 5,94%/năm. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt 366.456 tỷ đồng (tương đương 15,250 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,51% tổng GDP của cả nước).

Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% thời gian qua, vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.