Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Ðông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo quy hoạch, khu vực thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, huyện Long Ðiền, huyện Ðất Ðỏ được định hướng là khu vực dự kiến thành lập thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu trực thuộc Trung ương (khu vực nội thành) đạt tiêu chí đô thị loại I.

Ðể hiện thực hóa mục tiêu, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến sáp nhập huyện Long Ðiền và huyện Ðất Ðỏ thành một đơn vị; sắp xếp chín đơn vị hành chính cấp xã gồm: Sáp nhập các xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước (huyện Long Ðiền); sáp nhập phường Phước Trung, phường Phước Hiệp (thành phố Bà Rịa); sáp nhập xã Phước Hội và xã Lộc An; sáp nhập xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải (huyện Ðất Ðỏ).

Giai đoạn 2026-2030, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Bà Rịa và thành phố mới Phú Mỹ trên cơ sở các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và bảo đảm cả hai đơn vị đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định.

Theo quy hoạch, dự kiến Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn này sẽ sắp xếp sáu đơn vị hành chính cấp xã gồm: Ðiều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Phước Long Thọ và xã Long Tân (huyện Ðất Ðỏ); xã Hòa Hội và xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) và sáp nhập xã Phước Hưng vào thị trấn Long Hải. Ðến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Ðông Nam Bộ.

Cùng với đó, phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Ðông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu và vùng động lực phía nam. Phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000-18.500 USD).

Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: Công nghiệp-xây dựng khoảng 58-58,5% (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP khoảng 40-43%); dịch vụ 29-29,5%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5-6,7%. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2030 đạt khoảng 56%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm.

Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35-37% GRDP. Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng hơn 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.

Ðồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển gắn với bảo vệ môi trường; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát huy ý chí tự lực, tự cường, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực; xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai xây dựng các đề án được Chính phủ giao cho tỉnh tại Nghị quyết 154/NQ-CP, ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.