Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và quản lý học sinh

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong bối cảnh nhiều phòng học đã cũ, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, chỉnh trang trường lớp xanh sạch đẹp, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) xác định chiến lược mũi nhọn là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và quản lý học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Các tiết học sinh động và dễ hiểu hơn khi có sự hỗ trợ của các thiết bị dạy học hiện đại và bài giảng điện tử.
Các tiết học sinh động và dễ hiểu hơn khi có sự hỗ trợ của các thiết bị dạy học hiện đại và bài giảng điện tử.

Nhiều tiện ích

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhất là thời kì dịch Covid-19. Cùng với triển khai thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, Trường THCS Đống Đa chủ động tập trung chuyển đổi số, tạo thuận lợi trong công tác điều hành, quản trị và quản lý học sinh. Bước chuyển trước hết phải xuất phát từ nhận thức của chính các thầy cô về mức độ cấp thiết, hiệu quả cũng như chiến lược phát triển của nhà trường. Sau nhiều cuộc họp, bàn thảo kỹ lưỡng, chủ trương được thống nhất cao, lan tỏa từ Ban Giám hiệu đến toàn bộ giáo viên. Mọi người đồng lòng vào cuộc với quyết tâm cao.

Là một giáo viên khoa học tự nhiên đồng thời cũng là kỹ sư công nghệ thông tin, Phó Hiệu trưởng Lê Thị Hương Mai luôn trăn trở nghiên cứu tìm tòi, ứng dụng các phần mềm sao cho hiệu quả, hướng dẫn từng bước ngắn gọn, dễ hiểu nhất để giáo viên dễ tiếp cận và thực hành.

“Không phải ai cũng giỏi công nghệ, nắm bắt nhanh, các thầy cô hỗ trợ lẫn nhau, người thông thạo bày cách cho người chưa biết. Một số thầy cô nhiều tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế được khích lệ, chỉ dẫn tỉ mỉ, thậm chí buổi đầu còn “cầm tay chỉ việc” dần đã nắm bắt và thao tác thành thạo, thêm tự tin, hào hứng”, cô Mai chia sẻ.

Quá trình triển khai còn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ tích cực của đông đảo phụ huynh. Trường có tới hơn 3.000 học sinh, đầu giờ mỗi buổi học, thầy giám thị phải dành gần một tiếng mới đi hết các lớp lấy sĩ số. Từ tháng 10 vừa qua, trường ứng dụng hệ thống điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt, chỉ sau ít phút vào tiết học đầu tiên, Ban Giám hiệu, thầy giám thị, cô giáo chủ nhiệm truy cập tài khoản có thể nắm được sĩ số từng lớp, học sinh nào đi muộn, vắng mặt có phép hay không phép. Cả trường có 15 mắt camera được bố trí từ cổng trường, hành lang và cầu thang để học sinh điểm danh thuận tiện khi đến lớp và ra về. So với điểm danh bằng thẻ, vân tay, điểm danh bằng Face ID bảo đảm công khai, minh bạch và chính xác.

Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và quản lý học sinh ảnh 2
Học sinh điểm danh nhận diện khuôn mặt trước khi vào lớp.

Ban đầu, hầu hết ý kiến nhất trí triển khai, tuy nhiên còn vài phụ huynh băn khoăn về tính bảo mật, trực tiếp Ban Giám hiệu gặp gỡ, trao đổi và có cam kết của nhà cung cấp dịch vụ đã yên tâm, đồng thuận. Những ngày đầu, nhà trường chạy thử nghiệm, một số học sinh còn quên không điểm danh mặc dù đến lớp sớm, được thầy cô thường xuyên, nhắc nhở, học sinh hình thành thói quen điểm danh. Chỉ vào ảnh mình trên màn hình, học sinh Vương Minh Phương hồ hởi bảo “em đi học sớm để điểm danh đúng giờ”. Thông tin điểm danh cũng giúp các thầy cô đánh giá chuyên cần của học sinh thuận lợi. Trường hợp phụ huynh xin phép cho con nghỉ học, không cần viết giấy như trước mà chỉ cần điền theo mẫu gửi cho trường qua tài khoản.

Cô giáo Tạ Thị Bích Hậu, chủ nhiệm lớp 6A6 bộc bạch, đầu buổi học hằng ngày không còn lo mở camera xem học sinh đến lớp đủ chưa, mà bây giờ ở bất cứ đâu cũng có thể nắm chắc sĩ số lớp. Trước đây có khi bố mẹ nhắn tin, gọi hỏi xem con đến trường chưa, trong khi cô trên đường tới trường hoặc đang dạy ở lớp khác không phản hồi kịp, thì nay phụ huynh chủ động nắm rõ con đến trường lúc nào.

Kết nối giữa nhà trường và phụ huynh càng gắn kết chặt chẽ, quản lý học sinh thuận lợi hơn khi sử dụng ứng dụng truyền thông giáo dục eNetViệt. Với hệ sinh thái cơ sở dữ liệu eNetViệt, khi giáo viên nhập điểm thì điểm số sẽ thông báo trực tiếp về tài khoản của học sinh đã đăng ký, phụ huynh có thể xem bất cứ lúc nào, cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn mỗi lớp đều có thể tự nhắn tin về cho phụ huynh, khi cần liên lạc.

Theo nhân viên văn phòng Đào Thùy Linh, trước đây nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử không có dấu, sử dụng tài khoản eNetViệt 2 chiều tiện lợi hơn, phụ huynh liên lạc với giáo viên khăng khít hơn, qua đó ý thức học tập, tu dưỡng của học sinh chuyển biến tích cực. Mặc dù công việc của quản trị viên bận rộn hơn, hằng ngày phải làm ngoài giờ hành chính, nhất là dịp cao điểm cuối tháng, các thầy cô dạy nhiều lớp dành nhiều thời gian nhắn cho phụ huynh, nhưng đều cố gắng để bảo đảm cập nhật tin báo kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, phụ huynh học sinh Lương Tuệ An cho biết, từ khi sử dụng tài khoản eNetViệt rất thuận tiện, hiệu quả. Hằng ngày, chị có thể nắm bắt thông tin hoạt động của trường, lớp và tình hình học tập, giờ đến lớp, tan học của con kịp thời, chính xác, và chủ động sắp xếp giờ đón con, đỡ mất nhiều thời gian chờ đợi. Phản ánh của nhiều phụ huynh cũng cho thấy, nhờ thông tin cập nhập qua tài khoản giúp nắm bắt toàn diện, trao đổi kịp thời với giáo viên để phối hợp dạy bảo con, giám sát chặt chẽ hơn, ngăn ngừa khả năng con nói dối đi học nhưng không đến lớp hoặc truyền đạt không đầy đủ thông tin thầy cô nhắc nhở. Giáo viên giao bài tập cho học sinh qua eNetViệt, giúp phụ huynh phối hợp với nhà trường đồng hành cùng con trong quá trình học tập.

Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và quản lý học sinh ảnh 3
Giáo viên chủ nhiệm cập nhật sĩ số học sinh vào đầu buổi học.

Xây dựng, khai thác hiệu quả nguồn học liệu

Thầy Nguyễn Hải Đăng, giáo viên công nghệ thông tin cho biết tất cả các lớp đều được trang bị tivi, máy chiếu, giáo viên lên lớp sử dụng bài giảng điện tử Eleaning, kết hợp hài hòa với cách truyền thụ truyền thống. Bài giảng điện tử được biên soạn công phu, học sinh xem nhiều hình ảnh, video, phim tư liệu sinh động, hấp dẫn tạo hứng thú nên dễ tiếp thu, hiểu sâu hơn, các em cũng chăm chỉ sưu tầm tư liệu trên mạng để xây dựng bài thuyết trình.

Cùng với đó, nhà trường đang đẩy mạnh xây dựng kho học liệu để giáo viên, học sinh cùng thụ hưởng. Việc đưa các bài giảng dạy chuyên đề, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi, xây dựng ngân hàng câu hỏi, các dạng đề, dạng bài tập, bồi đắp, dần tạo nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, giúp giáo viên tham khảo nâng cao chuyên môn và học sinh học, ôn luyện và thi trực tuyến thuận tiện.

Nhà trường cũng đã kích hoạt 100% chữ ký số, tạo tiền đề triển khai thuận lợi học bạ số. Thay vì từng thầy cô ký học bạ giấy như trước, khi vào điểm nhận xét học sinh trong học bạ điện tử đã có sẵn chữ ký trong tài khoản để kích hoạt, tích hợp.

Cô Dương Thị Hồng Duyên, nhân viên thư viện cho biết, nhà trường đang khẩn trương triển khai xây dựng thư viện số. Cùng với số hóa, nhập liệu hàng nghìn đầu sách in, tài liệu lưu trong thư viện, các bài giảng điện tử, sách nói và video… được cập nhật trong thư viện số sẽ giúp giáo viên, học sinh tìm kiếm, sử dụng tài liệu tham khảo dễ dàng, nhanh chóng. Nhà trường kỳ vọng, thư viện số của trường sẽ liên kết với các thư viện lớn của quốc gia, Hà Nội, thư viện các trường để cùng chia sẻ tài nguyên, khai thác được nguồn tư liệu khổng lồ phục vụ tốt việc dạy và học. Cùng với đó, thông tin trong kho dữ liệu thư viện số như video giới thiệu sách hay, sách quý, sách theo chủ đề, các câu chuyện truyền cảm hứng được đưa lên trang fanpage để lan tỏa, khích lệ văn hóa đọc trong học sinh.

Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và quản lý học sinh ảnh 4
Các chương trình tập huấn thường xuyên được tổ chức để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ giáo viên.

Muốn chuyển đổi số thành công đòi hỏi cả quá trình bền bỉ lâu dài. Hiệu trưởng Đào Thị Hồng Hạnh chia sẻ, sau những buổi “vạn sự khởi đầu nan”, tâm huyết đầu tư nhiều công sức, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp dịch vụ để khắc phục bất cập phát sinh, không ngừng hoàn thiện, hiệu quả bước đầu đã được minh chứng trong thực tiễn. Tuy nhiên, công việc còn bộn bề như xây dựng eNetPay ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống quản lý hồ sơ sổ sách điện tử, nâng cấp website….Nhà trường mong muốn được đầu tư xây dựng mới khang trang, nâng cấp hạ tầng phục vụ chuyển đổi số để tạo đà cho môi trường giáo dục chất lượng cao trong tương lai.