Là huyện đảo tiền tiêu có vị trí địa lý và quốc phòng an ninh quan trọng, Cô Tô được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để thí điểm chuyển đổi số với quy mô cấp huyện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, hình thành xã hội số và phát triển kinh tế số làm động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Đột phá trong chuyển đổi số
Đến nay, việc triển khai tiến hành chuyển đổi số trên địa bàn huyện Cô Tô đã cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như: Xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh huyện, xây dựng hệ thống phần mềm IOC, phần mềm phản ánh hiện trường, App “Cô Tô Smart”; thực hiện tích hợp 18 camera tại Trung tâm Hành chính công và Trung tâm Thương mại dịch vụ Cô Tô lên hệ thống.
Huyện đã nâng cấp trang thông tin điện tử của Cô Tô, bổ sung ứng dụng bản đồ số du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm các thông tin dịch vụ du lịch, liên hệ đặt dịch vụ trực tuyến. Du khách có thể tìm kiếm thông tin du lịch Cô Tô tại địa chỉ: https://cototourism.vn. Huyện đưa 207 cơ sở lưu trú, 35 nhà hàng và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác lên trang thông tin điện tử của huyện Cô Tô. Cô Tô đã thực hiện thí điểm gắn mã QR tra cứu thông tin các tuyến đường trọng điểm, dịch vụ, du lịch hỗ trợ người dân và du khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh, sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói Text to speech.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh cho biết: Hệ thống quét mã QR được tích hợp xây dựng bài thuyết minh tự động nhiều ngôn ngữ sẽ hỗ trợ các đoàn khách trong và ngoài nước tốt hơn nhiều so với trước. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục gắn mã QR toàn bộ tuyến đường, gắn mã QR thuyết minh tự động trên xe điện du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin toàn bộ tuyến, điểm du lịch, bãi tắm, các sản phẩm du lịch, đặc sản mang thương hiệu Cô Tô.
Bên cạnh việc quét mã QR, Cô Tô đã áp dụng giải pháp công nghệ Wifi Marketing vào việc tuyên truyền, quảng bá, vận dụng giải pháp công nghệ thông tin trên nền tảng mạng không gian (WEBGIS) cung cấp đầy đủ các dữ liệu thông tin trên đảo…
Anh Nguyễn Văn Hùng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi rất ấn tượng trước cảnh quan và môi trường của huyện đảo Cô Tô; nhất là sự thân thiện, mến khách, phục vụ chu đáo, cơ sở lưu trú được đầu tư tốt, đặc biệt là việc tra cứu các thông tin du lịch trên đảo khá thuận tiện, giúp cho du khách tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác.
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Hiện các sản phẩm du lịch của Cô Tô khá đa dạng và đang phát huy thế mạnh như: Tham quan, tắm biển; du lịch cộng đồng; khám phá, trải nghiệm mang tính giáo dục nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Với nhóm du lịch tham quan, tắm biển, Cô Tô tiếp tục khuyến khích phát triển loại hình tham quan bằng xe điện, xe đạp thân thiện với môi trường; kêu gọi nguồn lực xã hội hóa nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ tại bãi tắm du lịch Vàn Chảy, Hồng Vàn; đồng thời xây dựng các chương trình tour tham quan các đảo Cô Tô con, đảo Cá Chép bằng cano; nâng cao chất lượng các tàu cao tốc chở khách ra thăm đảo gắn với hành trình di sản Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long và huyện đang kêu gọi, thu hút nhà đầu tư mở đường bay thủy phi cơ ra đảo.
Với nhóm du lịch cộng đồng, huyện tiếp tục ưu tiên nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất, dịch vụ loại hình lưu trú homestay cùng với các dịch vụ bổ trợ làm tăng thời gian lưu trú của du khách, như dịch vụ trải nghiệm cuộc sống dân đảo, đa dạng hóa trải nghiệm một ngày làm ngư dân và ẩm thực địa phương. Với nhóm du lịch khám phá, trải nghiệm, Cô Tô duy trì, quảng bá mạnh các tour đi bộ, trekking; du lịch lặn biển ngắm san hô, xây dựng các bãi cắm trại du lịch...
Ở nhóm sản phẩm mang tính giáo dục nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, huyện đảo Cô Tô tập trung phát triển du lịch không rác thải nhựa; khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; trồng nhiều cây xanh và hoa, tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo...
Cùng với đó là một số nhóm sản phẩm mới đang được kỳ vọng sẽ tăng sức hấp dẫn cho du lịch huyện đảo như: Nhóm du lịch nghỉ dưỡng; lịch sử văn hóa tâm linh, du lịch MICE (kết hợp du lịch với sự kiện, hội thảo, khen thưởng...). Huyện cũng đang đẩy nhanh triển khai các chương trình du lịch gắn với di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, cột cờ đảo Cô Tô, bước đầu xây dựng các tour đưa khách tham quan chùa Trúc Lâm Cô Tô ở nhóm du lịch lịch sử văn hóa tâm linh.
Với định hướng phát triển nhất quán, du lịch Cô Tô đang có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển bền vững. Số khách du lịch ra đảo Cô Tô ngày càng tăng mạnh: Trong năm 2022, Cô Tô đón gần 215.000 lượt du khách; chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, huyện đã đón 15.650 du khách.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng khẳng định: Với tiềm năng du lịch biển đảo độc đáo, khác biệt, Cô Tô xác định dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái biển đảo là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao.
Huyện đang thực hiện nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển không gian du lịch huyện đảo đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học vừa bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, gìn giữ chủ quyền và quyền chủ quyền, biên giới, biển đảo.