Chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành hải quan

Năm 2024, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu cùng toàn ngành hải quan thực hiện thành công "Hải quan số", "Hải quan thông minh" và "Hải quan xanh" nhằm hiện đại hóa ngành hải quan, đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Công chức Phòng Giám sát, quản lý (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra dữ liệu hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Công chức Phòng Giám sát, quản lý (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra dữ liệu hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Số hóa dữ liệu để rút ngắn thông quan

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Chi cục Hải quan khu vực 1) hoạt động trên địa bàn cảng Cát Lái có khối lượng vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp nhất cả nước, với hơn ba triệu container xuất, nhập khẩu mỗi năm. Hằng năm, chi cục thông quan trung bình hơn 700 nghìn tờ khai xuất, nhập khẩu hàng hóa cho hơn 40 nghìn doanh nghiệp với số thu ngân sách hằng năm hơn 45 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% số thu toàn ngành hải quan Thành phố Hồ Chí Minh.

Để giải quyết khối lượng công việc rất lớn, Chi cục Hải quan khu vực 1 thúc đẩy chuyển đổi số bằng ứng dụng các phần mềm chuyển từ quản lý thủ công sang số hóa như: Hệ thống giám sát (e-Manifest); khai báo điện tử (e-Declaration); hóa đơn điện tử (e-Invoice); thanh toán điện tử (e-Payment); phân luồng (selectivity)…

Phó Chi cục trưởng Hải quan khu vực 1 Tống Lê Dân cho biết: Tất cả các tiêu chí về quản lý rủi ro hàng hóa sau thông quan và phân luồng tại chi cục đều thực hiện trên hệ thống số hóa. Thông tin xuất, nhập khẩu được đưa vào bảng kê hàng hóa trên hệ thống e-Manifest. Căn cứ dữ liệu đó, hải quan có thể đánh giá rủi ro và tiến hành phân luồng nhanh chóng, kể cả khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang trên đường về cảng. Nếu hàng hóa thuộc dạng rủi ro thấp hay doanh nghiệp ưu tiên thì được phân luồng xanh, doanh nghiệp có thể đưa hàng về luôn. Chỉ một lượng hàng hóa rất nhỏ (tỷ lệ gần 4%) thuộc luồng đỏ phải kiểm tra hàng hóa thực tế. Từ việc số hóa quản lý dữ liệu, hải quan lọc ra những loại hàng hóa và phân luồng được nhanh chóng như vậy.

Đánh giá việc áp dụng số hóa trong khâu quản lý ở Chi cục Hải quan khu vực 1, ông Tống Lê Dân khẳng định: "Số hóa mang lại hiệu quả rất lớn trong việc giảm tải, chống ùn tắc cảng biển. Hải quan ở cảng Cát Lái phân luồng, kiểm tra, thông quan nhanh chóng cho nên tình trạng ùn tắc cảng biển trong hơn hai năm qua đã giảm rất nhiều so với trước, tình trạng kẹt xe container trên đường vào cảng rất ít khi xảy ra".

Là đơn vị quản lý cửa khẩu hàng không quốc tế lớn, bình quân mỗi ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho hơn 200 chuyến bay và hơn 40.000 hành khách. Theo Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Phan Bình Tuy, để đáp ứng công tác quản lý hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, quản lý máy bay và cả hành lý xuất, nhập cảnh, Chi cục triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số. Hiện, 100% hồ sơ hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được giải quyết thủ tục bằng hình thức thông quan điện tử, cơ bản đáp ứng việc thông quan nhanh chóng thuận lợi cho doanh nghiệp. Riêng các tàu bay xuất, nhập cảnh cũng được Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện thông quan qua hệ thống thông tin một cửa quốc gia. Bằng cách này, cơ quan hải quan có thể chia sẻ thông tin cho các bộ, ngành liên quan cùng kết nối chia sẻ và phối hợp với nhau để giải quyết thủ tục hành chính cho tàu bay xuất, nhập cảnh một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến với hơn 200 thủ tục hành chính hải quan đã được đưa lên hệ thống dịch vụ. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể khai nộp hồ sơ vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nhận kết quả mà không cần phải đến cơ quan hải quan. Đó là lý do văn phòng Chi cục rất ít khi thấy doanh nghiệp đến làm thủ tục" - ông Phan Bình Tuy cho biết thêm.

Những nỗ lực cải cách hành chính của ngành hải quan được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Tại Hội nghị đối thoại hải quan-doanh nghiệp năm 2024 do Cục Hải quan thành phố vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tôn Thất Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Transimex bày tỏ biết ơn trước những nỗ lực hỗ trợ nhiệt tình của Cục Hải quan thành phố dành cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, cải cách hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại thương.

Thiết lập văn phòng số hỗ trợ doanh nghiệp

Những năm qua, Cục Hải quan thành phố xác định chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm với hải quan các nước phát triển trên thế giới. Theo đó, Cục Hải quan thành phố triển khai hàng loạt chương trình và kế hoạch hành động cụ thể nhằm thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Mục tiêu của Cục là bám sát kế hoạch chuyển đổi số của ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi số, Cục Hải quan thành phố cam kết tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất.

Ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng Giám sát, quản lý (Cục Hải quan thành phố) cho biết: Cục Hải quan thành phố tiếp tục hoàn thiện Hệ thống quản trị tập trung (HCAS) và mở rộng các ứng dụng nhằm biến hệ thống này thành một hệ sinh thái toàn diện, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ kết nối chia sẻ thông tin. Hệ thống hướng đến kết nối Cục Hải quan thành phố với các ban, ngành trên địa bàn; đồng thời, kết nối hoạt động nghiệp vụ với việc hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Nổi bật trong quá trình nâng cấp HCAS là việc Cục Hải quan thành phố ứng dụng những hiệu quả xử lý hồ sơ và công việc trên môi trường HCAS để xây dựng văn phòng số. Văn phòng số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như tự động hóa quy trình xử lý hồ sơ, giúp giảm thời gian và thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp cho lãnh đạo Cục Hải quan thành phố dữ liệu và báo cáo chính xác, đầy đủ. Văn phòng số cũng giúp tăng cường minh bạch trong hoạt động của Cục Hải quan thành phố, góp phần phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, trải nghiệm dịch vụ cũng được cải thiện, mang đến cho doanh nghiệp dịch vụ hải quan chất lượng cao, nhanh chóng và tiện lợi.

"Việc nâng cấp HCAS thành văn phòng số là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa ngành hải quan của Cục Hải quan thành phố. Hệ thống này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố", ông Vương Tuấn Nam nhấn mạnh.

Bằng những hoạt động cải cách thiết thực nêu trên, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tích ấn tượng. Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng, theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 55,80 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023.