Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, không chỉ giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận thông tin mà còn thu hẹp khoảng cách vùng miền. Có thể thấy, nguồn lực hàng nông sản tại các tỉnh vùng cao là rất đa dạng, tiềm năng, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là thách thức, trở ngại lớn. Việc đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững.
Đây là cơ hội để chị em hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vượt qua khuôn khổ chợ truyền thống, tham gia vào mạng lưới kinh doanh online, tạo động lực cho họ tự tin phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định làm giàu cho bản thân mình và cộng đồng.
Thực tế cho thấy, sự chuyển biến rõ nét nhất trong cách làm của các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới thúc đẩy bán hàng trên không gian mạng, tiếp cận, tìm kiếm việc làm... Việc bán hàng trên mạng thật sự thuận tiện, các sản phẩm của hội viên, phụ nữ được nhiều người biết đến, không chỉ ở địa phương mà trên cả nước, từ đó, giá trị của sản phẩm được nâng cao, kinh tế gia đình cải thiện. Đây cũng là cách thức giúp nhiều hội viên khởi nghiệp thành công.
Đối với mỗi cán bộ hội phụ nữ, công nghệ số được sử dụng như một phương tiện đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút hội viên, phụ nữ; nhiều người còn lập nhóm trên mạng xã hội để sinh hoạt chi hội. Thay vì đi từng nhà vận động, tuyên truyền, thông qua zalo nhóm, hội viên có thể cập nhật các thông tin về thời gian sinh hoạt chi hội, thông tin tuyên truyền, vận động, các phong trào ngay lập tức. Việc tiếp cận thông tin một cách đa dạng, qua đó có thể lồng ghép tuyên truyền các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nắm rõ được cơ hội của chuyển đổi số, chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định: Phát triển bền vững tổ chức Hội bao hàm sự phát triển, đổi mới sáng tạo, lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động.
Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó xác định: Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế.
Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xác định: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội" là khâu đột phá quan trọng trong giai đoạn tới, nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ chức Hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, và tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Để hỗ trợ phát triển tư duy và nâng cao kỹ năng thời kinh tế số cho hội viên, phụ nữ, thời gian qua, nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số đã được thực hiện tại các địa phương nhằm giúp các cán bộ hội phụ nữ, các nữ lãnh đạo, các doanh nhân nữ và hội viên, phụ nữ nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ.
Các cấp hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài địa phương. Hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.