Chị Y Bê, làng Kon Tu, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, vốn có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua ba con bò về chăn nuôi. "Được sự hướng dẫn của cán bộ Hội Phụ nữ xã, mình làm chuồng trại, chăm sóc bò tại nhà, tính toán từng khâu ăn, ở cho bò... Chỉ mong cho bò nhanh lớn, để bán bớt trả nợ và đầu tư nuôi, trồng cây để có thu nhập ổn định", chị Y Bê vui mừng cho biết.
Theo phong tục, tập quán của bà con nơi đây, nuôi trâu bò thường thả rông cho chúng tự kiếm đồ ăn. Người dân cũng không có thói quen tận dụng phân gia súc, gia cầm trong trồng trọt. Muốn thay đổi nếp nghĩ của người dân tộc thiểu số, các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Đăk Hà phải tìm đủ cách tuyên truyền giúp họ hiểu và chuyển đổi tập quán canh tác...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Ui Y Huế cho biết: Khi người dân hiểu được ích lợi của việc làm chuồng để chăm sóc đàn bò tốt hơn, tận dụng được nguồn phân bón để bán hoặc đưa vào chăm sóc cây cà-phê, thì họ yên tâm làm ăn.
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Hà luôn tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ, nhất là các hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi trồng, chăm sóc các loại cây, con phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Hà Phạm Thị Viên thông tin: Tính đến nay, chúng tôi đã xây dựng hơn 135 mô hình để hỗ trợ, giúp đỡ chị em trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về phát triển kinh tế. Trong đó, Hội ở các xã trên địa bàn chú trọng xây dựng các mô hình khởi nghiệp, tập trung tuyên truyền, vận động giúp phụ nữ nghèo, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên khấm khá hơn.
Cùng với các nội dung sinh hoạt thường xuyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà xác định luôn đồng hành, hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, chị em trong xã đã đứng ra tín chấp vốn, giúp đỡ ngày công, hỗ trợ chị em nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều chị em đã vượt lên khó khăn, có của ăn của để. Bên cạnh những thuận lợi, việc hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, nhất là chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà vẫn gặp nhiều khó khăn, như chưa có kinh phí để hỗ trợ xây dựng các mô hình; một số cán bộ hội không đủ kỹ năng, kinh nghiệm để hỗ trợ, giúp chị em tháo gỡ khó khăn trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi...
"Để khắc phục điều đó, chúng tôi đã phối hợp các cấp, ngành, các đơn vị, cơ quan chuyên môn cùng chung tay đào tạo, nhất là vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp để cùng hỗ trợ, giúp phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống", chị Phạm Thị Viên khẳng định.