Phụ nữ quê hương Đồng khởi thoát nghèo

Sau gần 10 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ được hơn 21 nghìn khách hàng, chủ yếu là phụ nữ các gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình sản xuất dừa sọ của chị Kim Sa (ở giữa) đang tạo sinh kế cho nhiều hộ dân khác.
Mô hình sản xuất dừa sọ của chị Kim Sa (ở giữa) đang tạo sinh kế cho nhiều hộ dân khác.

Có vốn ưu đãi, thêm mạnh dạn làm ăn

Từ một sạp trái cây nhỏ ở chợ, được tiếp cận nguồn vốn 0 đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, bà Võ Thị Thái (khu phố 1, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã mở rộng quầy hàng. “Tôi có thêm đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Mới đây, vợ chồng tôi đã xây được nhà tường, mua sắm thêm đồ dùng để ổn định cuộc sống. Hội giúp mình tiếp cận nguồn vốn hiệu quả như vậy, tôi cũng khuyên các chị em trong chợ đừng vay tín dụng đen nữa. Nhiều chị em nghe theo nên giờ đỡ vất vả hơn xưa”, bà Thái cho biết.

Những năm qua, cán bộ tín dụng của quỹ cùng cán bộ Hội Phụ nữ các cấp luôn đồng hành để kịp tháo gỡ khó khăn, giúp chị em thoát nghèo bền vững. Năm 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng, cả xã hội giãn cách. Cũng như bao gia đình, chị Nguyễn Kim Sa (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) phải cửa đóng then cài, vườn dừa đến ngày thu hoạch không đưa đi tiêu thụ được. Mày mò tìm hiểu, chị phát hiện dừa xiêm gọt trọc đang được ưa chuộng trên thị trường nên tìm cách để sản xuất. Chia sẻ ý tưởng với các chị em trong Hội Phụ nữ xã, chị Sa đã được hỗ trợ học tập kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp và tiếp cận vốn vay ưu đãi. Từ đó, chị mạnh dạn mua máy móc và mở xưởng sản xuất dừa gọt trọc. Sau một năm hoạt động, xưởng của chị đã có 12 nhân công, trung bình mỗi ngày xuất đi 1.500 trái dừa.

Nhiều năm gắn bó với công tác hội, chị Đào Thị Vỹ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Bình đánh giá: Không chỉ giải quyết được sinh kế cho gia đình mà mô hình kinh doanh của chị Sa còn góp phần giải quyết được nhiều lao động ở địa phương. Vì vậy khi giải ngân, chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ những điểm sáng như vậy bởi sức lan tỏa của đồng vốn sau đó là rất lớn. Tương tự mô hình của chị Sa, nguồn vốn quỹ đã hỗ trợ xã Châu Bình phát triển được năm tổ hợp tác may gia công. Hiện, năm tổ này đang giải quyết được việc làm cho hơn 100 chị em.

Cải tiến cách làm để quỹ thêm hiệu quả

Năm 2013, từ nguồn Terdeshommes Thụy Sĩ, Quỹ Unilever-Việt Nam, dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP), dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Bến Tre (AMD) và lợi nhuận để lại qua các năm hoạt động chương trình dự án TCVM (Tài chính vi mô), UBND tỉnh Bến Tre đã cấp phép hoạt động cho Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh. Sau gần 10 năm hoạt động, thông qua hình thức vay tín chấp theo nhóm bảo lãnh, quỹ đã giải ngân 1.135 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho hơn 21 nghìn khách hàng, trong đó có hơn 18 nghìn khách hàng nữ có hoàn cảnh khó khăn, tiếp cận vốn lâu dài để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ 427 cụm và 1.961 nhóm lúc thành lập, đến nay quỹ đã phát triển được gần 1.300 cụm, hơn 5.600 nhóm bảo lãnh có khách hàng vay vốn thường xuyên với tổng dư nợ cho vay 168 tỷ đồng, tăng gấp bảy lần so khi mới thành lập.

Phục vụ đúng đối tượng là hộ nghèo, hộ khó khăn cần vốn, quỹ còn cải tiến sản phẩm bằng việc đầu tư, hỗ trợ cho thành viên các tổ hợp tác, các tổ sản xuất với nhiều ngành nghề được phát triển hết sức đa dạng, phong phú. Song song các mô hình nông nghiệp truyền thống như bò sinh sản, gà thịt, nuôi dê, trồng nấm, trồng dưa hấu... còn có những mô hình sản xuất phi nông nghiệp như may gấu bông, may túi xách môi trường, dệt thảm, dịch vụ nấu ăn...

Bên cạnh đó, các buổi họp cụm vay vốn đã cung cấp cho chị em nhiều kiến thức trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Kinh nghiệm được sẻ chia giúp chị em biết cách tính toán, lập được kế hoạch sản xuất, kinh doanh trước khi đầu tư vốn, sử dụng vốn có hiệu quả. Nhiều chị đã chủ động vươn lên, từ làm thuê trở thành làm chủ, tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, một số chị em mạnh dạn đăng ký thoát nghèo.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Trung bình mỗi năm có đến 4.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tại quỹ. Trong đó có hơn 300 khách hàng thoát nghèo hoặc chuyển loại hộ từ nghèo sang cận nghèo, 50% số này là hộ do phụ nữ làm chủ. Thời gian tới, quỹ sẽ tiếp tục hướng tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua các chương trình tín dụng - tiết kiệm.