Chuyển đổi số Đà Nẵng trước nhiều thách thức cần “khơi thông”

NDO - Chiều 26/5, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyển đổi số với chủ đề “Dữ liệu số - Thách thức và định hướng”. Nhiều chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số đạt hiệu quả cao hơn, Đà Nẵng cần nhiều nỗ lực, không được "độc quyền" dữ liệu và cần có tầm nhìn quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ sông Hàn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ sông Hàn. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Đánh giá trọng tâm chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, khẳng định: Đà Nẵng tiếp cận chuyển đổi số triển khai theo 3 trục Hạ tầng-Dữ liệu-Thông minh; trong đó Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng, nền móng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Năm 2023, Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số giao nhiệm vụ trọng tâm cho Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình.

Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số; hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ vào năm 2025. Thành phố đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số năm 2023 là Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới và đã ban hành Kế hoạch hành động Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023 với 40 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai.

Chuyển đổi số Đà Nẵng trước nhiều thách thức cần “khơi thông” ảnh 1

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Theo ông Triết, những năm qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng được chú trọng đầu tư, hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành.

Đà Nẵng triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, so yêu cầu đặt ra, công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Đà Nẵng vẫn gặp nhiều vướng mắc liên quan chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực... Dữ liệu số hiện nay của thành phố còn rời rạc, chưa bảo đảm độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp, việc chia sẽ dữ liệu còn hạn chế”, ông Triết nhìn nhận.

Dữ liệu - yếu tố then chốt trong chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, dữ liệu là yếu tố then chốt và muốn chuyển đổi số thành công thì không được độc quyền dữ liệu.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam nêu, để chuyển đổi số thành công thì Đà Nẵng không được cát cứ, độc quyền dữ liệu.

Theo ông Quang, chuyển đổi số thông minh nằm ở nguyên tắc chia sẻ dùng chung dữ liệu. Vì thế, Sở Thông tin và Truyền thông hay các sở khác khi làm dữ liệu cần nghĩ đến quận huyện, xã phường, không nên có sự độc quyền trong dữ liệu.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, dữ liệu số là phần quan trọng nhất của trong chuyển đổi số, không có dữ liệu thì mọi nền tảng công nghệ, ứng dụng tạo ra rất khó thực hiện. Dữ liệu càng hiệu quả chính xác thì hiệu quả chuyển đổi số càng cao.

Do vậy, Đà Nẵng cần bổ sung thêm cơ sở dữ liệu về các tổ chức khoa học công nghệ, tích hợp. Cần xây dựng sản phẩm chủ lực về công nghiệp công nghệ thông tin. Ngoài phần mềm còn có phần cứng, hệ thống điều khiển số, thiết bị số. Kêu gọi doanh nghiệp và các cơ quan khoa học công nghệ cùng triển khai thực hiện…

Để triển khai thành công chuyển đổi số, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, nhiệm vụ của Đà Nẵng năm 2023 là tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình.

Do đó, Đà Nẵng cần thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận huyện, phường xã trên địa bàn là: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

“Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp”, ông Tiến phân tích.

Chuyển đổi số Đà Nẵng trước nhiều thách thức cần “khơi thông” ảnh 2

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính thành phố. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đánh giá, Đà Nẵng xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị, đưa dữ liệu trở thành thành phần cốt lõi trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của mỗi cơ quan, đơn vị.

Ông Chinh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố sớm trình, ban hành Kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu, trong đó xác định rõ mô hình quản trị dữ liệu với nguyên tắc dữ liệu số là tài sản chung của thành phố, phải được chia sẻ, khai thác, sử dụng chung. Sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh trong tháng 6/2023 để phục vụ chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo thành phố dựa trên dữ liệu số.

Các sở, ban, ngành, địa phương phải cung cấp, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm IOC để phục vụ phân tích, khai thác, dự báo, hỗ trợ ra quyết định.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, mang tính chất toàn cầu, toàn dân và toàn xã hội. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu. Thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh