Cùng suy ngẫm

Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững

Với chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới", Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững vừa diễn ra tại Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực toàn cầu và tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xuất khẩu gạo. Ảnh: TTXVN
Hoạt động xuất khẩu gạo. Ảnh: TTXVN

Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 300/QĐ-TTg "Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030".

Mục tiêu là bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... Việc chuyển đổi sẽ gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên toàn cầu. Đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức hơn 30%; phát thải khí nhà kính từ hệ thống lương thực, thực phẩm giảm 10% so với năm 2020...

Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp bách đối với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, sự tăng trưởng nông nghiệp hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp là một nhân tố lớn góp phần phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020.

Trong khi đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao hơn, được áp dụng bởi sự phối hợp của các cơ quan quản lý tại nước nhập khẩu, đối tác kinh doanh hay người tiêu dùng nhạy cảm với môi trường.

Do vậy, để duy trì và phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững được coi là giải pháp quan trọng đối với nền nông nghiệp.

Muốn quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh và có hiệu quả, trước hết, cần rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Cụ thể như: Chính sách thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp; chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng thực phẩm xanh, an toàn, có truy xuất nguồn gốc; xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực quản trị đối với hệ thống lương thực, thực phẩm gồm hạ tầng sản xuất, giao thông, dịch vụ hậu cần, chuỗi cung ứng công nghệ lạnh, vùng nguyên liệu, hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh...; chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số điều khiển hệ thống canh tác nông nghiệp chính xác, theo dõi phát thải khí nhà kính cho các chuỗi giá trị sản phẩm lương thực, thực phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác là huy động nguồn lực để triển khai kế hoạch chuyển đổi, bao gồm nguồn vốn trong nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân; nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác...); các nguồn vốn nước ngoài (vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn huy động hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính quốc tế)...