Dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái.
Sản xuất nông nghiệp vùng núi phía bắc có quy mô nhỏ lẻ, đây là nguyên nhân căn bản đang kìm hãm việc áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến nhằm tạo ra một chu trình khép kín, sản xuất theo chuỗi giá trị. Điều đó dẫn đến năng suất và hiệu quả của ngành nông nghiệp thấp, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, đây cũng là vùng chịu tổn thương nặng nhất từ những tác động của biến đổi khí hậu.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. |
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho biết, để giải quyết những khó khăn trên có nhiều giải pháp, nhưng có 2 vấn đề lớn cần tháo gỡ, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung, cũng như làm tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn bảo đảm tính bền vững trong phát triển.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan phát biểu tại hội nghị. |
Đây cũng là những nội dung Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, nông dân, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, hiệu quả.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh khẳng định ngành nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của các tỉnh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía bắc đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu cho rằng, giải pháp để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao giá trị, hiệu quả đó là tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển khoa học-công nghệ với phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Huy động mọi nguồn lực, tăng nguồn kinh phí đầu tư, khuyến khích các tổ chức, các thành phần kinh tế, nhất là các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ những nhà quản lý có kỹ năng quản trị kinh doanh và thị trường nông sản.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân đối với phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao. Nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, quy mô và giá trị đối với các chuỗi sản phẩm đã có, phát triển các sản phẩm tiềm năng thành hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với du lịch, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các địa phương đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo tạo ra sản phẩm góp phần nâng cao vị thế của ngành nông nghiệp, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; tổ chức các khóa đào tạo mô hình khởi nghiệp bền vững.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng triển khai chương trình học bổng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền núi phía bắc. Đối tượng nhận học bổng là sinh viên hệ chính quy năm thứ nhất nhập học vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam và có hộ khẩu ở 8 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên.
Chương trình cấp tối đa 115 suất học bổng/tỉnh/năm. Trong đó, có 5 suất học bổng toàn phần; 10 suất học bổng bán phần; 50 suất học bổng khởi nghiệp và 50 suất học bổng phát triển kỹ năng mềm.
Ký kết chương trình hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các tỉnh. |
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học công nghệ với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Yên Bái.