Tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15), diễn ra ở thành phố Montreal (Canada) vào tháng 12/2022, khoảng 195 quốc gia đã thông qua thỏa thuận lịch sử, mang tên Khuôn khổ Ða dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal nhằm đảo ngược hàng thập niên tàn phá môi trường, đe dọa các loài động, thực vật và hệ sinh thái trên toàn thế giới, qua đó đưa các nước vào con đường phục hồi hệ sinh thái. Theo kế hoạch, các quốc gia ký thỏa thuận sẽ phải trình bày kế hoạch triển khai cấp quốc gia tại COP16 diễn ra vào năm 2024. Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023, với báo cáo có tiêu đề "Chuyển đổi lương thực, thiên nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng - Mô hình quốc gia", các chuyên gia cũng cho biết, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường có thể hỗ trợ cộng đồng như thế nào trong các nỗ lực giảm hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công ước Liên hợp quốc về Ða dạng sinh học (CBD) bao gồm cả các mục tiêu quan trọng cho sản xuất lương thực, làm hệ thống lương thực trở nên thân thiện hơn với khí hậu của hành tinh và hệ sinh thái. Theo ông Basile van Havre (B.Ha-vrơ), đồng Chủ tịch nhóm soạn thảo CBD, nếu muốn cung cấp lương thực cho thêm nửa tỷ người trên trái đất thì sẽ phải trồng thêm nhiều cây lương thực. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc trừ sâu và chất nuôi dưỡng thông minh hơn theo cách không gây hại đến môi trường.
Sản xuất nông nghiệp xanh bằng cách giảm sử dụng thuốc trừ sâu và trợ cấp có hại, sử dụng phân bón một cách khôn ngoan hơn và quản lý đất đai tốt hơn được cho là nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ các nước. Quá trình chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất lương thực toàn cầu phải được hỗ trợ bởi sự phát triển của hệ thống tài chính và các quy định cho ngành nông nghiệp. Các khoản trợ cấp và ưu đãi cho nông dân sẽ không còn tập trung nhiều vào tăng sản lượng lương thực, thay vào đó cần chú trọng nhiều hơn các hoạt động khuyến khích quản lý tốt thiên nhiên. Những người làm việc trong ngành sản xuất lương thực theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn, cần hỗ trợ để thay đổi cách làm thông qua việc tạo ra một chiến lược tích cực cho mọi người. Ðộng lực thúc đẩy các chính phủ thực hiện cam kết chính của thỏa thuận CBD là bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và đại dương đến năm 2030. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng mà các chính phủ đề ra là cách thức chuyển hướng trợ cấp từ trợ cấp cho các hoạt động gây tổn hại đến đa dạng sinh học sang trợ cấp cho hoạt động bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác là loại bỏ sử dụng thuốc trừ sâu, thay vào đó là các biện pháp tự nhiên để kiểm soát côn trùng. Việc này đòi hỏi sự hợp tác tích cực với người nông dân để tạo ra thay đổi.
Ông Maximo Torero Cullen (M.T.Cu-len), Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tùy thuộc bối cảnh từng quốc gia, các lộ trình khác nhau có thể được áp dụng để chuyển đổi hệ thống nông sản nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, cũng như bảo đảm tính bền vững trong vấn đề này. Việc tăng cường khả năng phục hồi khí hậu và củng cố môi trường lương thực để thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh là hai biện pháp can thiệp chính có tác động tích cực đến an ninh lương thực, thiên nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng.