Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao và tôn vinh tài năng của ông.
Dàn nhạc trình diễn bên ngoài Nhà hát Lớn. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Đến dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao, các vị lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cùng đông đảo các vị khách mời, những khán giả yêu mến sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao.
Ekip thực hiện chương trình:
- Chỉ đạo nội dung: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
- Chỉ đạo nghệ thuật: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh
- Giám đốc Dự án: Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh.
- Tổng đạo diễn: Phạm Hoàng Nam.
- Giám đốc Âm nhạc: Đỗ Bảo.
- Biên đạo múa: NSND Kiều Lê.
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh: Nguyễn Đình Toán.
- Chủ nhiệm chương trình: Nhạc sĩ Đức Tân.
Chương trình hội tụ những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam, như các Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, Quốc Hưng, các Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương, Thanh Lam, các ca sĩ Tùng Dương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan, Nam Khánh, Yvol …
Chương trình gồm những ca khúc nổi bật nhất sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Cao, gồm những tác phẩm được biết đến ở cả ba thể loại tình ca, hành khúc và trường ca như “Đàn chim Việt”, “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Trương Chi”, “Làng tôi”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Trường ca sông Lô”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Bắc Sơn” …
Các ca sĩ Tùng Dương, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Trang Bùi, Đỗ Tố Hoa trình bày ca khúc "Đàn chim Việt" mở màn chương trình. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Các ca khúc được phối lại với sự sáng tạo cùng nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại, dưới bàn tay dàn dựng của Giám đốc âm nhạc Đỗ Bảo. Nếu như ca khúc “Đàn chim Việt” do các nữ ca sĩ Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Trang Bùi, Đỗ Tố Hoa kết hợp với giọng ca nam Tùng Dương trên nền dàn nhạc giao hưởng, thì “Thiên Thai” do ca sĩ Thanh Lam thể hiện lại kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng với nhạc cụ dân tộc. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” do ca sĩ Trần Thu Hà hát cùng tốp ca Thu Hằng, Đỗ Tố Hoa, Minh Ngọc, Đoàn Hồng Hạnh lại có sự tươi mới, trẻ trung, gần gũi với khán giả trẻ.
Các đơn vị tham gia thực hiện:
Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Dàn nhạc Sun Symphony Orchestra, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn Quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội, Dàn nhạc MUCA Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.
Cùng với các ca khúc, khán giả còn vô cùng xúc động khi được xem lại những đoạn phim tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao, nghe những tự sự của ông về âm nhạc, sự nghiệp, tình yêu.
Một trong những ca khúc gây ấn tượng trong chương trình là “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, với sự kết hợp giữa hai thế hệ ca sĩ, hai thầy trò đều là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia: NSND Quang Thọ và NSND Quốc Hưng. Sự kết hợp của hai giọng ca gạo cội mang màu sắc của hai thời đại cũng tạo nên nét độc đáo cho ca khúc.
Dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Bên cạnh những tiết mục được dàn dựng hoành tráng cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony, cũng có những ca khúc được trình bày mộc mạc, giản dị, như “Buồn tàn thu” do ca sĩ Trần Thu Hà hát trên tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Thanh Phương…
“Trường ca sông Lô” cũng là tiết mục để lại ấn tượng trong chương trình với sự tham gia của 125 người thuộc dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng, với hai giọng ca chính Đào Mác và Khánh Ngọc.
Êkip thực hiện chương trình “Đàn chim Việt” cũng gây bất ngờ với phần biểu diễn ở bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, tái hiện cảnh đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội trong Ngày Giải phóng Thủ đô, với sự chào đón của người dân Thủ đô. Đoàn quân từ ngoài tiến vào bên trong Nhà hát, tỏa đi khắp các lối đi và dãy ghế trên tầng 2 của Nhà hát. Các nghệ sĩ cả bên trong và ngoài Nhà hát cùng hòa giọng trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” đầy xúc động. Lần đầu tiên cả khu vực quảng trường bên ngoài Nhà hát Lớn cũng trở thành một sân khấu lớn, hòa chung giai điệu cùng sân khấu bên trong Nhà hát.
NSND Quốc Hưng và ca sĩ thiếu nhi Khánh Chi trình bày "Tiến quân ca". (Ảnh chụp màn hình) |
Tiết mục kết chương trình, cũng là tiết mục gây xúc động nhất, chính là Quốc ca. Ở ca khúc quen thuộc này, phần đầu của bài hát được phối mới lạ, trẻ trung, gần gũi, NSND Quốc Hưng hòa giọng cùng giọng ca thiếu nhi Khánh Chi và dàn hợp xướng thiếu nhi, sau đó chuyển sang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, đầy tự hào, thiêng liêng và xúc động. Cả khán phòng bên trong Nhà hát đều đứng dậy hòa giọng hát Quốc ca.
Ca sĩ các thế hệ trình bày ca khúc "Đàn chim Việt" khép lại chương trình. |
Khép lại chương trình, ca khúc “Đàn chim Việt” trở lại trong một màu sắc khác, mở màn là giọng hát của ca sĩ Hương Lan, tiếp đó là tốp ca gồm NSƯT Thanh Lam, các ca sĩ Mỹ Linh, Hà Trần, Lan Anh hát nối. Ca khúc được tiếp nối với các giọng ca nam Nam Khánh, Yvol, Vũ Thắng Lợi, và phần cuối của ca khúc là sự góp giọng của tất cả các nghệ sĩ đã tham gia chương trình, bao gồm cả NSND Quang Thọ.
Hình ảnh những cánh chim tung bay lên cao được biểu hiện bằng những điệu múa và màn thả bóng bay. (Ảnh chụp màn hình) |
Sự hòa giọng của các ca sĩ ở nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, nhiều khu vực địa lý đã đem lại ý nghĩa kết nối những cánh chim Việt ở mọi nơi, như tên gọi của ca khúc, như lời MC Anh Tuấn chia sẻ ở cuối chương trình: “Mong muốn đem lại một chương trình nghệ thuật gần nhất với tinh thần âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao”.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng.
Ông là tác giả của nhiều ca khúc ở cả 3 thể loại tình ca, hành khúc và trường ca. Đặc biệt, ông là tác giả của ca khúc "Tiến quân ca" sau này trở thành Quốc ca.
Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).
Tên tuổi của ông gắn liền với lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam như một tài năng lớn.