Đến dự có các đồng chí: PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT T.Ư; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long khái quát cuộc đời, sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao. Nhạc sĩ Văn Cao tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15- 11- 1923 tại Lạch Tray (TP Hải Phòng), quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định). Ông là một nghệ sĩ đa tài, thử sức trên mọi lĩnh vực: truyện, thơ, tranh vẽ… nhưng người ta vẫn biết đến nhiều hơn về ông với tư cách là một nhạc sĩ rất mực tài hoa.
Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều được công chúng đón nhận rất say mê nhiệt tình bởi tính lãng mạn và giá trị nghệ thuật sâu sắc trong từng lời ca, điệu nhạc. Ông là tác giả của bản trường ca hùng tráng Tiến quân ca, mà sau này đã vinh dự trở thành Quốc ca của Việt Nam, đồng thời cũng là gương mặt không thể thiếu của tân nhạc. Ngoài ra, Văn Cao còn là một họa sĩ, một nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị.
Nhạc sĩ Văn Cao vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, hai Huân chương độc lập hạng Nhất và hạng Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).
Quê hương Nam Định luôn trong niềm yêu thương của ông cùng những chuyến đi về. Các tác phẩm của ông được in trang trọng trong các Tuyển tập Thơ tình- Truyện ngắn- Âm nhạc Nam Định thế kỷ XX, trong đó có những kiệt tác làm rạng danh cho đất nước, quê hương. Với “ chữ tâm – chữ tài” dành cho quê hương, đất nước, Văn Cao xứng đáng là một tác gia lớn của nền âm nhạc nước nhà, là niềm tự hào vô bờ của quê hương, dân tộc, với những giai điệu đi cùng năm tháng.
Sau phần lễ kỷ niệm, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Nam Định, biểu diễn chương trình nghệ thuật “Từ Suối Mơ đến Trường ca Sông Lô” nhằm tri ân và tưởng nhớ nhạc sĩ Văn Cao - người con tài hoa của quê hương Nam Định.