Cũng lời Văn Cao kể, đấy là một đêm mùa đông giá buốt của Hà Nội 1944. Buổi chiều, ông đi dọc đường phố qua ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), qua Hàng Bông rồi ra Bờ Hồ. Ông vừa đi vừa ngẫm nghĩ tìm ý cho bản hành khúc mà tổ chức vừa giao trách nhiệm. Hiện thực đập vào mắt ông là những tốp người đói khổ từ nông thôn tràn về Hà Nội, là ánh mắt của bé gái chừng ba tuổi, là ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong hốc mắt mọi người. Đêm ấy, về căn gác nhỏ số 171 phố Mông-gơ-răng (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền), nhạc sĩ Văn Cao đã viết nốt nhạc đầu tiên cho bản hành khúc. Cũng phải mất rất nhiều ngày, bản hành khúc cho một dự báo mới hoàn chỉnh. Do đang trong thời kỳ hoạt động bí mật, Tiến quân ca được ghi tên tác giả bằng mật danh Anh Thọ.
Vì tác phẩm được viết tại nhà người bạn mà nhạc sĩ Văn Cao ở nhờ cho nên nhạc sĩ Văn Cao ghép thêm mật danh của bạn như một đồng tác giả là Anh Dũng. Lúc đó, nào có ai nghĩ tới chuyện bản quyền gì đâu. Tháng 11-1944, chính tự tay Văn Cao viết bài Tiến quân ca lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của Báo Độc Lập. Một tháng sau khi báo phát hành, khi Văn Cao đi qua phố Mai Hắc Đế vào ban đêm, ông đã nghe vọng ra từ một căn gác, tiếng đàn măng-đô-lin đang chơi bài Tiến quân ca. Tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào giữa tháng 8-1945, các đại biểu đã nhất trí chọn Tiến quân ca là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Chiều 17-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, trong cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội, ca khúc Tiến quân ca vang lên qua tiếng đàn ác-mô-ni-um của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu. Sáng 19-8-1945, cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Tiến quân ca vang lên bởi dàn đồng ca thiếu niên. Ngày 2-9-1945 Tiến quân ca đã được chọn làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vang lên trong giờ Tuyên ngôn độc lập. Và đến tháng 1-1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Tiến quân ca chính thức trở thành Quốc ca Việt Nam sau khi đã được các nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu góp ý về nhịp mở đầu (không để nốt đầu ngân như một tiếng cồng mà vào ngay nốt móc kép cho nhanh và khí thế hơn) và nhà thơ Tố Hữu góp ý đôi chỗ về lời ca, thí dụ: “núi sông” thành “nước non” hay bỏ hẳn phần cuối lời hai: “Võ trang đây lên đường – Hỡi ai đừng chớ quên Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên” mà dùng lời một luôn. Và lần đầu tiên Tiến quân ca vang lên cùng “Mác-xây-e” (Quốc ca Pháp) ở Việt Nam là tháng 5-1946 tại Đà Lạt, trong ngày khai mạc Hội nghị trù bị bàn về vấn đề độc lập của Việt Nam. Sau đó, cùng vang lên ở Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô vào dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp mùa thu 1946.
Từ khi chính thức được công nhận là Quốc ca Việt Nam, Tiến quân ca đã thấm vào từng con người Việt Nam để cũng biết đớn đau như da thịt, biết chảy ra như máu suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Đến nay, Tiến quân ca đã được 71 tuổi. 71 tuổi hay mãi mãi thì Tiến quân ca vẫn vạm vỡ một sức sống thanh xuân như sức sống của dân tộc ta.