Chương Mỹ phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu

NDO - Chương Mỹ là một trong những địa phương ở Hà Nội phát triển OCOP cả bề rộng và chiều sâu, với nhiều sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm của Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigahers được trao chứng nhận OCOP.
Sản phẩm của Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigahers được trao chứng nhận OCOP.

Theo Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Thủ đô đã nhằm góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ nông thôn; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Hiện Chương Mỹ là một trong những địa phương ở Hà Nội phát triển OCOP cả bề rộng và chiều sâu, với nhiều sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, cho biết: Từ năm 2019, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện và đến nay toàn huyện có tổng số 145 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

145 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay huyện Chương Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn.

Huyện Chương Mỹ luôn xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mới trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Mục tiêu Chương trình OCOP của huyện đề ra đến cuối năm 2023 có thêm 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; rà soát, đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định.

Huyện Chương Mỹ phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP, tiếp tục tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Huyện phấn đấu 100% chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình OCOP; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.

Tại xã Trung Hòa, ông Trần Văn Nguyện, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigahers chuyên sản xuất các sản phẩm thảo dược hữu cơ chia sẻ với chúng tôi: Năm 2022 Công ty có 4 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận OCOP 4 sao đó là: trà bổ phế, trà rau má cà gai leo, trà rau má tía tô, bột rau má đậu xanh collagen.

Từ khi được UBND thành phố công nhận OCOP, các sản phẩm đã được thị trường biết đến, tạo cơ hội cho Công ty mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng được thương hiệu. Năm 2023, Công ty tiếp tục đăng ký từ 3-5 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.

Tuy nhiên, đất đai để lắp đặt nhà xưởng và phát triển vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho sản xuất vẫn luôn là vấn đề đối với các cơ sở sản xuất dược liệu hữu cơ như Giga và làm OCOP, vì vậy, ông Trần Văn Nguyện mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để có mặt bằng sản xuất tăng lên gấp đôi (khoảng hơn 1.000m2) và có khoảng 10ha đất sạch để làm vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Chương Mỹ còn có nhiều nghề truyền thống như sản xuất mây tre giang đan Phú Nghĩa, thêu ren ở Hồng Phong, làng nghề mộc Phụ Chính, xã Hòa Chính, mộc Phù Yên, xã Trường Yên, nón lá Văn La, xã Văn Võ.

Chương trình OCOP đã tạo động lực cho các làng nghề mây tre giang đan ở huyện Chương Mỹ từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm mây tre đan của làng nghề mây tre đan Phú Vinh có những nét đặc trưng riêng mà các làng nghề khác không có.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đã có 52 sản phẩm được công nhận 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất không những góp phần duy trì, bảo tồn và đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chương Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; thường xuyên mở các lớp tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP cho người dân.

Đồng thời khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất trong các làng nghề có mặt bằng để mở rộng nhà xưởng sản xuất; xây dựng hệ thống xử lý môi trường trong các làng nghề.

Tới đây, Chương Mỹ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện phát triển sản phẩm mới, khuyến khích các chủ thể là hợp tác xã và doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Ngoài ra, huyện tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.