Chung tay vì “Sức khỏe cho mọi người”

Sáng 8/4, tại Khu vực tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” và Phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức lễ mít- tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) có chủ để “Sức khỏe cho mọi người”.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít-tinh.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít-tinh.

Phát biểu tại lễ mít-tinh, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 1948, các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau thành lập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục tiêu để mọi người, mọi nơi trên thế giới đều có thể đạt được sức khỏe và hạnh phúc ở mức cao nhất; sức khỏe là quyền cơ bản của mỗi con người và là nền tảng cho hòa bình và an ninh.

Trải qua 75 năm thành lập và phát triển, Tổ chức Y tế thế giới đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc định hướng các quốc gia thành viên triển khai hiệu quả các chương trình hành động về y tế, đạt được nhiều thành tựu đối với sức khỏe của nhân loại như: giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, thanh toán bệnh đậu mùa, nâng cao tuổi thọ và số năm sống khỏe; kiểm soát dịch bệnh (mới đây nhất là trong kiểm soát đại dịch Covid-19).

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; coi việc đầu tư cho chăm sóc sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; được các cấp chính quyền, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ trưởng Y tế nhận định, thế giới vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về y tế, nhất là khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc; các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi thường xuyên xuất hiện; nguồn lực đầu tư cho y tế trước các mối đe dọa khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu… Những thách thức này chỉ có thể được giải quyết thông qua cam kết chính trị vững chắc và hợp tác toàn diện về y tế của các quốc gia trên toàn cầu; đồng thời là sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và của mỗi người dân ở mỗi quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về xây dựng hành lang pháp lý; giải pháp chuyên môn kỹ thuật để từng bước khắc phục khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực y tế các cấp, các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương nhằm đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới (7/4), Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan thông qua chương trình với mong muốn truyền tải thông điệp về thực hành nâng cao sức khỏe để phòng, chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quý báu để cùng nhìn lại những thành công về sức khỏe cộng đồng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong hơn bảy thập kỷ qua; những thách thức đang diễn ra và cùng thúc đẩy hành động để giải quyết trong thời gian tới.

Chung tay vì “Sức khỏe cho mọi người” ảnh 1

Các đại biểu cùng đông đảo học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng đi bộ vì sức khỏe người dân.

Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ngày Sức khỏe thế giới năm nay thật đặc biệt, vì đây cũng là sinh nhật lần thứ 75 của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện, ngày sức khỏe thế giới là ngày để nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe đối với tất cả mọi người, cùng nhìn nhận những thành tựu về sức khỏe cộng đồng đã đạt được và hướng tới những thách thức về sức khỏe vẫn còn ở phía trước.

Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới tự hào là đối tác tin cậy của Bộ Y tế và Chính phủ, luôn hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới sức khỏe tốt hơn cho tất cả mọi người. Đáng chú ý, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã được những bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện chất lượng sống. Cụ thể, vào đầu những năm 1960, tuổi thọ trung bình chỉ là 60 tuổi. Trong khi đó, một em bé sinh ra ở Việt Nam ngày nay có thể sống đến 75 tuổi nhờ những bộ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vaccine, những cải tiến về dịch vụ y tế, nhất là những thành công của Việt Nam trong việc giảm nghèo. Bảo hiểm y tế được mở rộng đáng kể, thúc đẩy quá trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân của Việt Nam…

Tại lễ mít-tinh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố thành lập sáu đơn vị trực thuộc, bao gồm: Mạng lưới Thầy thuốc trẻ 585; Hệ sinh thái tình nguyện Y khoa; Liên chi hội Thầy thuốc trẻ chuyên ngành Ung bướu Việt Nam; Liên chi hội Dược sĩ trẻ Việt Nam; Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y tế toàn cầu; Liên chi hội Da liễu trẻ Việt Nam. Các đơn vị này sẽ là lực lượng tiên phong trong phong trào tình nguyện và chuyển đổi số của lực lượng Thầy thuốc trẻ Việt Nam thời gian tới.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình đã có hơn 3.000 người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được khám, sàng lọc bệnh, tư vấn về các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư vú, bệnh phổi tắc nghẽn và lao…, với sự tham gia của hơn 150 y, bác sĩ đến từ các bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội.