Diễn ra ở Marrakesh, Maroc từ ngày 9 đến 15/10, Hội nghị thường niên mùa thu của IMF và WB tập trung bàn thảo về hàng loạt rủi ro tài chính toàn cầu, trong đó có nguy cơ vỡ nợ của các quốc gia nghèo.
Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, việc tổ chức hội nghị ở châu Phi có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng khi Lục địa đen vẫn đang đối mặt với những vấn đề của 50 năm trước, như lạm phát cao, bất ổn chính trị và gánh nặng nợ nần.
Báo cáo của tổ chức Oxfam chỉ ra rằng, các nước có thu nhập thấp và thu nhập dưới trung bình đối mặt với việc phải trả nợ gần 500 triệu USD cả gốc và lãi mỗi ngày từ nay cho đến năm 2029.
Theo Liên hợp quốc, năm 2022, nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục là 92 nghìn tỷ USD. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến tốn nhiều công sức và tiền bạc, buộc các chính phủ phải vay tiền nhiều hơn để chống dịch, triển khai tiêm vaccine. Gánh nặng nợ công càng gia tăng khi thế giới đứng trước một loạt khó khăn như kinh tế bấp bênh sau đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng, xung đột, biến đổi khí hậu trong khi lạm phát đẩy chi phí lãi suất cho vay cao.
Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước chắc chắn sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu và làm xói mòn nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước chắc chắn sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu và làm xói mòn nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, khoảng 3,3 tỷ người đang sống ở các quốc gia mà khoản chi trả cho lãi nợ công nhiều hơn là khoản chi cho giáo dục hoặc y tế. Do đó, nhiều nước nghèo đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân.
Theo tổ chức Oxfam, một số nước nghèo nhất thế giới đối diện với việc cắt giảm ngân sách lên đến 220 tỷ USD trong 5 năm tới do khủng hoảng nợ. Thống kê của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến quý I/2023, 14 vụ vỡ nợ được xác nhận liên quan chín quốc gia là Belarus, Liban, Ghana, Sri Lanka, Zambia, Argentina, Ecuador, Suriname và Ukraine.
Tìm giải pháp giúp các nước nghèo thoát khỏi bế tắc nợ nần từng là chủ đề của nhiều hội nghị quốc tế diễn ra thời gian qua. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Oxfam kêu gọi giãn nợ cho các nước đang gặp khó khăn về kinh tế, để những nước này có thể dành khoản tiền chuẩn bị trả nợ cho chi tiêu an sinh xã hội và ứng phó các cú sốc kinh tế vĩ mô. Oxfam cũng kêu gọi IMF và WB tạo ra một hệ thống công bằng hơn, chẳng hạn như đánh thuế công bằng với người giàu, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp tái cơ cấu nợ và cắt giảm chi tiêu.
Khi gánh nặng nợ của một đất nước gia tăng, nước này sẽ không thể đầu tư để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và phát triển kinh tế, rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn, càng khó trả nợ hơn. Bởi vậy, thế giới đang cần các giải pháp đa phương mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của các nước nghèo.
Việc thành lập khuôn khổ pháp lý đa phương để tái cấu trúc và xóa nợ nhằm giúp giải quyết khủng hoảng nợ kịp thời, có trật tự cũng được các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục ủng hộ. Hiện tại, việc triển khai các biện pháp hỗ trợ để giảm gánh nặng nợ công tại các quốc gia thu nhập thấp được nhận định là còn tương đối chậm. Nỗ lực triển khai vẫn chưa đủ, xét về cả quy mô lẫn mức độ cấp bách của tình hình.
Giới chuyên gia kỳ vọng rằng, Hội nghị thường niên mùa thu của IMF và WB đang diễn ra ở Maroc sẽ ghi nhận bước tiến trong xử lý nợ của một số quốc gia rơi vào cảnh vỡ nợ. Khi gánh nặng nợ của một đất nước gia tăng, nước này sẽ không thể đầu tư để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và phát triển kinh tế, rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn, càng khó trả nợ hơn. Bởi vậy, thế giới đang cần các giải pháp đa phương mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của các nước nghèo.