Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng phát sinh đáng kể lượng rác thải nhựa, tác động không nhỏ đến cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái. Hậu quả là lượng khách tham quan và doanh thu của toàn ngành suy giảm, ảnh hưởng đến sinh kế của không ít người dân.
Theo thông tin từ Hiệp Hội du lịch Việt Nam, mỗi năm, việc phát sinh lượng lớn rác thải nhựa đã gây thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD đối với các ngành du lịch, đánh cá và vận tải biển. Đồng thời, hằng năm, tiêu tốn 13 tỷ USD với hệ sinh thái biển thế giới và 650 triệu EURO để dọn sạch các bãi biển châu Á.
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tích cực phát động các sáng kiến bảo vệ môi trường, triển khai đến nhiều doanh nghiệp du lịch cả nước. Được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP/GEF-SGP), hiệp hội đã thực hiện dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”.
Quảng Nam và Ninh Bình là hai địa phương tiên phong thí điểm dự án này.
Ứng dụng quản lý rác thải nhựa được giới thiệu đến đông đảo doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Quảng Nam. |
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia về du lịch đã giới thiệu Bộ tiêu chí Công nhận doanh nghiệp không rác thải nhựa và ứng dụng quản lý rác thải nhựa tại doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức làm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chia sẻ về Bộ tiêu chí trên, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đáp ứng đủ những điều kiện của Bộ tiêu chí sẽ được trao giấy chứng nhận. Theo kế hoạch, chứng nhận này sẽ có giá trị trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp và sẽ được tái thẩm định khi có yêu cầu từ cơ sở.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu rác thải nhựa đã và đang được triển khai thí điểm tại một số khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành và điểm du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn trên toàn tỉnh không còn sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Các sản phẩm du lịch địa phương dần cải thiện chất lượng theo hướng đa dạng, du lịch xanh và bền vững.