Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Trong khi đó, cả nước đang chuẩn bị bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học... nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như: Sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 53 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có sáu trường hợp tử vong. Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng tại một số địa phương, số ca mắc tăng nhanh. Tại Hà Nội, số ca mắc xuất hiện tại 26 quận, huyện, một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Phúc Thọ… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài.
Đáng chú ý, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 23/5 đến 12/8, thành phố ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó, có 346 ca dương tính sởi; bệnh sởi xuất hiện tại 57 phường, xã, 16 quận, huyện; trong năm 2024 ghi nhận ba trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi. Ngành y tế thành phố chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố công bố dịch sởi.
Để chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong mùa tựu trường sắp tới, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch; chỉ đạo Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Ngành y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với các viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh; mặt khác thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng với nước sạch và phối hợp truyền thông; tuyên truyền vận động các gia đình, cha mẹ học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.
Trước tình hình bệnh sởi đang phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã đề nghị Sở Y tế thành phố khẩn trương triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng; chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, bao gồm các hoạt động trọng tâm như: Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó bệnh dịch, trong đó chú ý kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó bệnh dịch theo các mức độ, quy mô của dịch; ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi đến khám (quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị); sẵn sàng nguồn lực, các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương ■