Cùng suy ngẫm

Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện cả nước có khoảng 12 triệu người cao tuổi (trên 65 tuổi). Dự báo, đến năm 2036, tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 14% tổng dân số, khi đó Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc già hóa dân số nhanh chóng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu lao động trong tương lai, cùng với đó là nhu cầu an sinh xã hội tăng cao ở nhóm người cao tuổi. Già hóa dân số sẽ là thách thức lớn về mặt kinh tế-xã hội đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh việc đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội cho người cao tuổi vẫn đang ở mức yếu và thiếu như hiện nay.

Trong những năm qua, nhận thức được các thách thức của việc già hóa dân số nhanh, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố đã có những thay đổi lớn trong chính sách, chiến lược thích ứng với già hóa dân số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030... Đây được coi là nền tảng, bước ngoặt cho việc thay đổi các quy định pháp luật liên quan chăm sóc người cao tuổi.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng cũng đang tích cực đánh giá để thay đổi, điều chỉnh, bổ sung quy định tại các luật liên quan, như: Luật Người cao tuổi; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế… hướng tới bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe đầy đủ hơn cho người cao tuổi.

Báo cáo của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hơn 900 nghìn người cao tuổi đang hưởng chế độ người cao tuổi, gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó có hơn 10 nghìn người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; mức chuẩn trợ cấp từ năm 2010 đến năm 2020 đã tăng 4 lần từ 90.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng, một số địa phương tăng mức chuẩn cao hơn quy định của Chính phủ và mở rộng diện hưởng, như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh...

Hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hơn 900 nghìn người cao tuổi đang hưởng chế độ người cao tuổi, gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó có hơn 10 nghìn người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội.

Đồng thời, có hơn 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Theo thống kê, hiện 96% người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế. Một số địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có độ tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi. Như, tỉnh Hưng Yên 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế...

Mặc dù có nhiều thay đổi trong chính sách và thực thi trong thực tế, nhưng do điều kiện kinh tế-xã hội chưa đáp ứng hết được nhu cầu chăm sóc của hàng triệu người cao tuổi, bên cạnh đó là những thay đổi lớn trong kết cấu của hộ gia đình (từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân) nên việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Điều này đòi hỏi, trong thời gian tới, cần xây dựng các chính sách liên quan đời sống kinh tế-xã hội cho người cao tuổi, như các chính sách khuyến khích người cao tuổi và tạo điều kiện cho người cao tuổi được lựa chọn về việc tiếp tục làm việc phù hợp sức khỏe và chuyên môn, kỹ năng để người cao tuổi chủ động về mặt kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa vai trò, sự tham gia và đóng góp của người cao tuổi vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Mặt khác, cần xây dựng các chính sách liên quan việc chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, làm tốt hơn nữa hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để họ tiếp cận được các dịch vụ y tế. Cần xây dựng các gói dịch vụ y tế về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, bao gồm các chăm sóc về y tế, chăm sóc xã hội và chăm sóc tinh thần cho người cao tuổi nhằm bảo đảm hòa nhập xã hội, cải thiện tình trạng sức khỏe và hỗ trợ người cao tuổi trong chăm sóc cá nhân hằng ngày...

Hưởng ứng Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 và Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn", Trung ương Hội Người cao tuổi phối hợp các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi; vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.

Vấn đề quan trọng nữa là vận động các nguồn lực chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; có giải pháp huy động nguồn lực để hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế; huy động khối doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia công tác chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi…