Sáng 9/9, tại Hà Nội, Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức họp báo tuyên truyền về Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”, nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, xã hội…, trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Theo báo cáo của Hội người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hơn 900 nghìn người cao tuổi đang hưởng chế độ người cao tuổi, gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó có hơn 10 nghìn người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội…
Tại buổi họp báo, chia sẻ thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Trưởng Ban Chăm sóc người cao tuổi (Hội Người cao tuổi Việt Nam) Nguyễn Xuân Lập cho biết: hiện nay, 96% người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Một số địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có độ tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi, như tỉnh Hưng Yên 100% người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế…
Ông Nguyễn Xuân Lập cũng cho biết, thông qua các hoạt động, Hội cũng phấn đấu thời gian tới 100% người cao tuổi trong cả nước sẽ có thẻ bảo hiểm y tế.
Hội phối hợp các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi; vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Hội có giải pháp huy động nguồn lực để hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế; huy động khối doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi…
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ cũng mong muốn, thông qua các hoạt động truyền thông trong Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 sẽ giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Luật Người cao tuổi, các chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi…
Đồng thời, nguồn lực vận động được từ cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi về sức khỏe, vật chất tinh thần, chung tay giúp đỡ người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn…
Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; mức chuẩn trợ cấp từ năm 2010 đến năm 2020 đã tăng 4 lần từ 90 nghìn đồng/tháng lên 360 nghìn đồng/tháng, một số địa phương có mức tăng mức chuẩn cao hơn quy định của Chính phủ và mở rộng diện hưởng, như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh…